Rối Loạn Phổ Tự Kỷ Ở Trẻ Em

   Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder) là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Triệu chứng bắt đầu từ giai đoạn sớm của thời thơ ấu. Ở hầu hết trẻ em nguyên nhân còn chưa rõ, mặc dù có bằng chứng gợi ý một thành phần di truyền; ở một số bệnh nhân, rối loạn có thể liên quan đến tình trạng sức khoẻ. Chẩn đoán dựa vào tiền sử phát triển và quan sát trẻ trên lâm sàng. Điều trị bao gồm quản lý hành vi và đôi khi điều trị bằng thuốc.
   Để hiểu rõ hơn về rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em, xin mời quý phụ huynh cùng theo dõi bài viết của Tâm lý gia Trần Phan Diệu Anh, Khoa Tâm thể – Bệnh viện thành phố Thủ Đức (nội dung chi tiết xin mời xem phần bình luận).

1. Tuổi khởi phát rối loạn phổ tự kỷ

   Phải trước 3 tuổi, tuy nhiên rất khó để có thể chẩn đoán được tự kỷ trước 1 tuổi mặc dầu có những dấu hiệu tinh tế đã xuất hiện ở tuổi này.

2. Các dấu hiệu cảnh báo tự kỷ

– Không biết cười lớn tiếng hoặc có những biểu lộ vui vẻ, thích thú khác ở 6 tháng tuổi.
– Không chia sẻ qua lại với những âm thanh, nụ cười, hoặc biểu lộ nét mặt ở lúc 9 tháng tuổi.
– Không biết bập bẹ lúc 12 tháng tuổi.
– Không biết nói từ đơn lúc 16 tháng tuổi.
– Không nói được cụm từ đôi một cách tự nhiên lúc 24 tháng tuổi (không phải là nhại lời).
– Không chú ý đến giọng nói của người khác vào lúc 24 tháng tuổi.
– Không nhìn vào mặt và mắt người khác lúc 24 tháng tuổi.
– Không biểu lộ quan tâm đến trẻ khác vào lúc 24 tháng tuổi.
– Không biết bắt chước vào lúc 24 tháng tuổi.
– Mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở bất kỳ tuổi nào.

* Filipek và cộng sự (1999) liệt kê những quan tâm của cha mẹ có ý nghĩa cảnh báo tự kỷ:

– Quan tâm về xã hội: Không biết cười xã hội, chơi một mình, rất độc lập, giao tiếp mắt kém, ở trong chính thế giới của trẻ, không hoà hợp, không quan tâm đến trẻ khác
– Quan tâm về giao tiếp: Không đáp ứng khi gọi tên, không biết nói với cha mẹ điều trẻ muốn, không theo hướng dẫn, giống như bị điếc, có lúc nghe nhưng lúc khác lại không nghe, không biết chỉ hoặc vẫy tay chào tạm biệt.
– Quan tâm về hành vi: Những cơn nổi giận, tăng động, không hợp tác hoặc chống đối, không biết chơi với đồ chơi, lập đi lập lại , đi nhón gót, gắn bó khác thường với một số đồ chơi, xếp đồ cho thẳng hàng, quá nhạy cảm với một số cảm giác xúc giác hoặc âm thanh, có những kiểu vận động ngón tay hoặc cơ thể khác lạ.

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của rối loạn phổ tự kỷ

   Mặc dầu những nguyên nhân chính xác của tự kỷ vẫn chưa biết, tuy nhiên hiểu biết về những cơ chế có thể gây ra rối loạn này ngày càng rõ ràng hơn. Những tiến bộ này là bằng chứng giúp chúng ta xem xét lại quy kết trước đây khi cho rằng tự kỷ là do cha mẹ lạnh lùng, không yêu thương.
   Hiện nay, tất cả đều chấp nhận rằng tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh có nền tảng sinh học với nhiều nguyên nhân. Điều này không loại trừ những yếu tố nguy cơ từ môi trường, những vấn đề về thể chất của mẹ xảy ra trong suốt quá trình mang thai.
   Các nhà nghiên cứu đã xem xét phương thức phát triển các nguy cơ, quá trình nguy cơ, sự xuất hiện triệu chứng và sự đáp ứng. Các yếu tố di truyền và môi trường đưa đến những bất thường trong sự phát triển của não, điều này góp phần vào những thay đổi về tương tác giữa trẻ và môi trường của trẻ.

4. Các điều trị tiêu chuẩn dành cho rối loạn phổ tự kỷ

– Trị liệu âm ngữ/ngôn ngữ: PECS; ngôn ngữ dấu hiệu, kỹ thuật trợ giúp, huấn luyện kỹ năng xã hội.
– Hoạt động trị liệu: Điều trị vận động tinh, điều trị hòa nhập cảm giác.
– Trị liệu hành vi: TEACH, ABA.
– DIR: Floortime.
   Phương pháp được sử dụng rộng rãi là trị liệu hành vi, trị liệu hành vi có thể được áp dụng rộng rãi trong mọi lãnh vực: hành vi thách đố, ngôn ngữ, ăn uống…
   Floortime cũng được nhiều nơi sử dụng, đặc biệt có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa trẻ và người chăm sóc, có hiệu quả trong giai đoạn sớm.
   Trị liệu âm ngữ/ngôn ngữ, hoạt động trị liệu cũng được lồng ghép trong các chương trình trị liệu.

5. Các điều trị thay thế và bổ sung

– Sinh học:
+ Chế độ ăn: Gluten free, casein free.
+ Điều trị các hướng vào chức năng hệ tiêu hoá: Secretin, enzyme tiêu hoá Các thuốc bổ sung: Mg/B6, Folic acid, VitB 12, Vit C…
+ Thuốc kháng nấm đường ruột, giải độc…
– Không phải sinh học:
+ Trị liệu đa cảm giác.
+ Massage trị liệu.
+ Trị liệu hòa nhập thính giác.