Ngưng thở khi ngủ và Tăng huyết áp

1. Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Ước tính có khoảng 25% dân số trưởng thành có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.

Đây là tình trạng dòng khí lưu thông qua đường hô hấp bị gián đoạn từ 10 giây trở lên trong lúc ngủ. Việc này làm bạn thức giấc thường xuyên trong đêm, gây ra tình trạng ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày. Ngưng thở khi ngủ có 3 dạng: thể tắc nghẽn, thể trung ương, và thể hỗn hợp. Trong đó, thể tắc nghẽn phổ biến hơn. Ở thể tắc nghẽn, khi ngủ, các mô ở thành sau họng giãn ra, chùn xuống, đè lấp lên đường thở. Ở thể trung ương, dẫn truyền thần kinh điều hòa cơ hô hấp bị rối loạn.

2. Ai có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ, không phân biệt nam nữ, già trẻ. Đó là lý do một số người tuy gầy, thậm chí cả trẻ em, vẫn có thể ngáy rất to. Tuy nhiên, một số người có những yếu tố nguy cơ sau đây thì thường dễ mắc phải tình trạng này hơn:

– Thừa cân, béo phì

– Vòng cổ to

– Giải phẫu thành họng sau hẹp

– Nam giới

– Lớn tuổi

– Tiền căn gia đình

– Dùng rượu, chất kích thích, thuốc ngủ, thuốc giảm đau

– Hút thuốc lá

– Tình trạng bệnh lý kèm theo: viêm hô hấp trên, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, v.v…

3. Mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ và bệnh lý tăng huyết áp như thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 50% người bị ngưng thở khi ngủ có tăng huyết áp. Trong khi đó, khoảng 30% người bị tăng huyết áp có tình trạng ngưng thở khi ngủ kèm theo. Ngoài ra, khoảng 3/4 số người kháng trị tăng huyết áp có ngưng thở khi ngủ. Như vậy, có thể thấy, ngưng thở khi ngủ có mối liên hệ mật thiết với tăng huyết áp. Do đó, chúng ta cần nâng cao nhận thức về tính phổ biến và mức độ nghiêm trọng của rối loạn này.

Khi dòng khí lưu thông bị gián đoạn, nồng độ oxy trong máu sụt giảm, trong khi đó, nồng độ CO2 lại tăng lên. Hậu quả về lâu dài là làm rối loạn điều tiết nội môi, rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ thần kinh thực vật, dẫn đến tăng đáp ứng viêm trong cơ thể, tăng huyết áp, tăng đường huyết, xơ vữa mạch máu, tăng nguy cơ đột quỵ, rung nhĩ, v.v…

Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo, nên bệnh nhân thường sẽ có tình trạng ngủ quá mức, dù tăng về số lượng nhưng không đạt về chất lượng. Khi thức dậy, bệnh nhân thường đau đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm chất lượng trong cuộc sống và công việc: tăng nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm tập trung chú ý, kết quả học tập giảm sút.

4. Dấu hiệu nghi ngờ có ngưng thở khi ngủ là gì?

Biểu hiện của bệnh nhân có tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể kể đến như:

– Ban đêm trong lúc ngủ: ngáy to, ngáy gián đoạn, thức giấc nhiều lần trong đêm, tiểu đêm.

– Ban ngày trong lúc thức: sau khi thức dậy, thường thấy đau họng, khô họng, đau đầu, mệt mỏi, uể oải; trong công việc, học tập thường buồn ngủ, dễ mất tập trung (như lúc xem tivi, đọc sách, lái xe), rối loạn lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, v.v…

– Bác sĩ trong lúc thăm khám có thể phát hiện những dấu hiệu sau đây thường gặp ở người bị ngưng thở khi ngủ:

+ Thể trạng thừa cân, béo phì

+ Vòng cổ > 40 cm

+ Vùng họng sau hẹp do lưỡi to, amidan quá phát, lưỡi gà thấp, v.v…

+ Cằm nhỏ, cằm lẹm

+ Các triệu chứng do hậu quả của bệnh: nhịp tim nhanh, huyết áp cao, đường huyết tăng, rối loạn lipid máu, v.v…

5. Phải làm gì khi nghi ngờ ngưng thở khi ngủ?

Khi có dấu hiệu gợi ý bị ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân cần đến các phòng khám chuyên khoa về giấc ngủ để được thăm khám. Đo đa ký giấc ngủ là phương pháp chẩn đoán xác định. Bệnh nhân sẽ được mắc các điện cực theo dõi điện não đồ, điện tim, đo nồng độ oxy trong máu, đo huyết áp, cảm biến chuyển động mắt, chuyển động chân, v.v…

Người được theo dõi sẽ được ngủ qua đêm tại phòng khám, có camera giám sát. Tất cả dữ liệu sẽ được truyền về trung tâm phân tích của kỹ thuật viên. Kết quả sau đó được bác sĩ đọc và phân tích. Đa ký giấc ngủ giúp chẩn đoán xác định tình trạng ngưng thở khi ngủ, biết được tình trạng bệnh thuộc thể nào, mức độ nặng nhẹ, cũng như giúp xác định các rối loạn giấc ngủ khác như nghiến răng, mộng du, động kinh, v.v…

6. Làm gì khi đã được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ?

– Thay đổi lối sống:

+ Giảm cân, không để thừa cân, béo phì

+ Bỏ hút thuốc lá, tránh dùng chất kích thích, đồ uống có cồn, thuốc ngủ

+ Nằm nghiêng trong lúc ngủ

– Kiểm soát các bệnh lý kèm: tình trạng viêm mũi xoang, kiểm soát tốt hen, COPD, v.v…

– Thở áp lực dương liên tục: đây là phương pháp đã được chứng minh hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng máy hỗ trợ một dòng khí liên tục trong lúc ngủ, giúp giảm tình trạng tắc nghẽn và cải thiện nồng độ oxy trong máu.

– Dùng các dụng cụ hỗ trợ: một số công cụ giúp kéo cằm hoặc hàm ra phía trước cũng cho thấy hiệu quả trong việc làm giảm tắc nghẽn.

– Phẫu thuật: phẫu thuật cắt bỏ một số mô xung quanh họng, tuy nhiên đây là một phương pháp điều trị chuyên sâu, nhiều nguy cơ, và còn cần nhiều nghiên cứu thêm.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/…/symptoms-causes/syc-20377631

2. https://www.healthline.com/…/sleep-apnea-hypertension

-BS. Trần Bá Lộc-

Khoa Nội Tim mạch – Lão học, Bệnh viện thành phố Thủ Đức