
Vệ sinh vùng rốn của bé: Sau khi chào đời, dây rốn sẽ được kẹp lại để giữ cuống rốn sạch sẽ. Nếu kẹp rốn bị hở hoặc bị rơi ra, bạn phải chú ý vệ sinh khu vực rốn bé ít nhất 1 lần/ngày.
Các bước thực hiện:
1. Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng.
2. Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem có bị viêm đỏ, có mủ, có dịch vàng hay có chảy máu không. Chú ý xem rốn có mùi hôi không ?
3. Lau rốn sạch bằng gòn hoặc tăm bông và nước muối nước sinh lý (Natri clorid 0.9%), sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
Chú ý để rốn rụng tự nhiên, không cố gắng giật hay bẻ chân rốn. Không sử dụng các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh vì làm chậm quá trình rụng rốn.
Cẩn thận khi tắm cho bé
Có thể tắm bé, tuy nhiên nên lưu ý chỉ tắm nông từng bộ phận cơ thể, tránh làm ướt cuống rốn. Nếu cuống rốn bị ướt, hãy lau khô bằng khăn mềm. Đôi khi, cuống rốn của bé có thể bị bẩn nếu bé đi tiêu. Hãy nhẹ nhàng làm sạch bằng nước, vệ sinh lại bằng nước muối sinh lý và lau khô.
Cẩn thận khi mặc quần áo cho bé
Quấn tã phía dưới rốn, giữ cho cuống rốn khô. Mặc quần áo chất liệu mỏng thoáng để lưu thông không khí tốt giúp cuống rốn mau khô. Không nên dùng gạc thường hoặc tã để băng rốn cho trẻ vì việc băng rốn nếu không được dùng bằng các sản phẩm đã được tiệt khuẩn thì sẽ tạo điều kiện làm ổ chứa vi khuẩn và ngăn cản sự lành rốn do rốn lâu khô.
Đưa trẻ đến bệnh viện ngay sau khi có 1 trong các biểu hiện sau:
• Rốn vẫn còn ướt sau khi rụng
• Rốn có mùi hôi
• Rốn rỉ dịch, chảy máu, hay có mủ
• Da vùng quanh rốn sưng nề hay tấy đỏ
• Rốn chưa rụng sau 3 tuần
Đơn vị Hồi sức Nhi – Bệnh viện thành phố Thủ Đức