NGHIỀN, BẺ THUỐC ĐỂ UỐNG – HẠI NHIỀU HƠN LỢI

NGHIỀN, BẺ THUỐC ĐỂ UỐNG - HẠI NHIỀU HƠN LỢI
“Thuốc viên to khó uống thì bẻ nhỏ ra cho dễ uống” là quan điểm sai lầm của nhiều người. Vì sao?
? Thuốc được bào chế thành nhiều dạng khác nhau và dùng theo các đường dùng khác nhau. Với cùng một dược chất, khi bào chế dưới các dạng thuốc khác nhau nếu dùng theo các đường dùng khác nhau có thể dẫn đến tác dụng lâm sàng khác nhau.
? Khi một dạng thành phẩm ra đời, các nhà bào chế đã nghiên cứu tính toán sao cho quá trình dược chất được giải phóng, hòa tan và hấp thu vào cơ thể đáp ứng phù hợp với nhu cầu điều trị của người bệnh.
? Nếu người bệnh tự ý bẻ nhỏ viên thuốc, hoặc nghiền nát tức là đã vô tình làm thay đổi dạng bào chế của thuốc, làm ảnh hưởng đến tác dụng dược lý cũng như sinh khả dụng của thuốc, có thể gây ra tình trạng không đủ liều hoặc quá liều, biến đổi hoạt chất… làm cho thuốc không đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, thậm chí gây độc tính. Trên thực tế, việc nghiền thuốc hay bẻ ra cho dễ uống không mang lại lợi ích mà còn có thể gây hại cho chính người sử dụng thuốc, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong.
? Một số dạng thuốc viên tuyệt đối không nghiền hay bẻ gãy

1. Dạng thuốc viên bao tan ở ruột

– Đây là dạng thuốc không tan ở dạ dày mà chỉ tan ở đầu ruột non tức tá tràng và phóng thích dược chất ở ruột.
– Mục đích thuốc bao tan ở ruột: Ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày ví dụ thuốc Aspirin pH8. Ngoài ra một số thuốc dạ dày dạng PPI (thuốc ức chế bơm Proton: Esomeprazol, Omeprazol, Rabeprazol, Pantoprazol…) phải bào chế ở dạng viên bao tan trong ruột để hoạt chất phóng thích ở ruột mới cho tác dụng. Nếu nghiền hay bẻ viên, hoạt chất sẽ bị phân hủy bởi acid ở dạ dày.

2. Dạng thuốc phóng thích dược chất kéo dài

– Tên thuốc loại này thường kèm với chữ Adalate LP, Procan SR, Adalat LA, nghĩa là “có tác dụng kéo dài” hoặc “tác dụng chậm”.
– Đây là dạng thuốc, có bao một lớp màng mỏng đặc biệt hoặc có khung trơ matrix chứa thuốc, sẽ phóng thích dược chất trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để tác dụng kéo dài (phóng thích dược chất trong 12 giờ hoặc 24 giờ). Vì vậy chỉ cần uống 1- 2 lần trong ngày thay vì uống 3 đến 4 lần đối với dạng thuốc cổ điển như trước đây. Đặc biệt, loại thuốc này cần phải uống đúng cách, đúng số viên, đúng số lần trong ngày theo chỉ định. Nếu nhai, bẻ nhỏ lượng lớn hoạt chất sẽ được phóng thích cùng một lúc, có thể gây quá liều rất nguy hiểm.
? Đối với 2 dạng thuốc trên tuyệt đối không bẻ nhỏ, không nghiền mà phải để dạng viên để uống.
? Một số dạng viên khác cũng cần lưu ý cách dùng hay đường dùng thuốc

1. Dạng thuốc để ngậm dưới lưỡi

* Ưu điểm:
– Thứ nhất: dưới lưỡi có hai tĩnh mạch lớn, trong miệng có nhiều mạch máu nhỏ. Đặt thuốc dưới lưỡi, thuốc sẽ ngấm vào hai tĩnh mạch lớn, hoặc ngậm thuốc ở miệng thuốc sẽ đi vào các mạch máu nhỏ và có thể cả tĩnh mạch lớn rồi vào thẳng hệ tuần hoàn mà không bị phá huỷ bởi dịch vị hay enzym trong đường tiêu hoá, không bị gan chuyển hoá như khi uống. Các viên alphachymotrypsin, progesteron, mehtyltestosteron… thường có cách dùng này.
– Thứ hai: thuốc đi thẳng vào hệ thống tuần hoàn nên có hiệu quả nhanh, không kém như khi tiêm.
Vì vậy, đối với dạng viên này, nên được dùng đúng dạng đường dùng là đặt dưới lưỡi. Nếu dùng đường uống tác dụng sẽ giảm đi hoặc không kịp thời.

2. Dạng thuốc sủi bọt

Là dạng thuốc cần được bảo quản tốt tránh ẩm để giữ nguyên hoạt chất, và chỉ uống khi đã được hòa tan hoàn toàn trong lượng nước vừa đủ để sủi bọt. Không được bẻ nhỏ hay bỏ nguyên viên vào miệng uống bởi dạng thuốc này chứa tá dược rã sinh khí là natri carbonat hoặc natri bicarbonat. Khi uống vào sẽ gây phản ứng gây hại cho đường tiêu hóa.

3. Thuốc chứa dược chất rất đắng hoặc gây hại cho một số người nếu tiếp xúc

Ví dụ thuốc Betapen – VK, Cipro có chứa vị rất đắng nếu bẻ nhỏ, hay nghiền ra thì có nhiều người không chịu nổi vị đắng khó chịu của dược chất. Hoặc thuốc Posicor…nếu cà nhuyễn hoặc mở viên nang, bột thuốc sẽ phân tán, tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây ngứa, gây kích ứng khó chịu ở da.
⭐️ Lời khuyên của bác sĩ: nếu bệnh nhân bị chứng khó nuốt thì nên nói cho bác sĩ biết và xin ý kiến, theo đó bác sĩ sẽ thay thế những dạng thuốc bào chế hoặc đường dùng khác thích hợp hơn.