Bệnh hôi miệng: Nguyên nhân và cách điều trị

Hôi miệng (còn gọi là “hơi thở có mùi”) là một trong những than phiền thường gặp, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về mặt tâm lý, giao tiếp xã hội mà còn cả đến công việc, tài chính. Tuy nhiên, chỉ một số ít bệnh nhân nhận thức được vấn đề này phần lớn còn lại, họ chỉ biết được bản thân mắc chứng hôi miệng thông qua phản ánh từ những người đối diện.
1. Nguyên nhân gây hôi miệng
– Hầu hết các tình trạng hôi miệng có nguồn gốc từ khoang miệng, sinh ra bởi vi khuẩn trong miệng sản sinh các hợp chất sulphur bay hơi có mùi hôi.
– Vi khuẩn chịu trách nhiệm sản xuất các hợp chất sulphur bay hơi có mùi hôi là hợp chất được tìm thấy nhiều nhất trên bợn lưỡi và túi nha chu sâu liên quan đến bệnh lý viêm nướu và viêm nha chu. Chứng khô miệng cũng làm gia tăng sự tăng trưởng vi khuẩn và góp phần vào tình trạng hôi miệng.
Nguyên nhân bắt nguồn từ miệng:
1. Vệ sinh răng miệng kém
2. Mảng bám/ sâu răng
3. Viêm nướu/ viêm nha chu
4. Khô miệng, Nhét thức ăn
5. Bợn lưỡi
6. Hàm giả
7. Loét trong miệng
Nguyên nhân bắt nguồn từ nơi khác ngoài miệng:
1. Chế độ ăn: thức ăn có mùi, chế độ ăn acid keto …
2. Bệnh lý và nhiễm trùng: viêm amiđan, viêm xoang, chảy dịch mũi sau …
3. Rối loạn chuyển hóa: suy thận, xơ gan, đái tháo đường …
4. Dùng thuốc: biphosphonates, thuốc gây khô miệng …
2. Điều trị hôi miệng
Khi phát hiện bị hôi miệng kéo dài, người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để xác định nguyên nhân, hướng dẫn cách xử lý và điều trị (nếu cần). Hầu hết nguyên nhân thường gặp của hôi miệng là do vệ sinh răng miệng kém và mắc các bệnh lý về răng miệng. Do đó, người bệnh cần đến phòng khám răng để được các bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp.
a) Điều trị nguyên nhân hôi miệng do Bợn lưỡi
– Nguyên nhân gây hôi miệng thường gặp nhất
– Bề mặt lưỡi lớn, các gai lưỡi nhám, gồ ghề lưu giữ thức ăn và tích tụ vi khuẩn
– Có thể xảy ra ở bệnh nhân bình thường và bộ răng khỏe mạnh
Điều trị:
– Cơ học: chải bề mặt lưng lưỡi mỗi ngày nhằm loại bỏ vụn thức ăn và giảm mùi
– Hóa học: dùng nước súc miệng (Listerine, Chlorhexidine gluconate CHX…) là phương pháp phổ biến, được chấp nhận rộng rãi để hạn chế vi khuẩn và mùi hôi, đặc biệt hiểu quả khi dùng kết hợp với dụng cụ cạo lưỡi.
b) Điều trị nguyên nhân hôi miệng do Viêm nướu và Viêm nha chu
– Túi nha chu sâu và nướu viêm lưu giữ vi khuẩn, mảng bám và vịn thức ăn, tất cả góp phần tạo mùi
– Bợn lưỡi thường gặp nhiều hơn trên những bệnh nhân có viêm nướu/viêm nha chu
– Túi nha chu sâu có nhiều vi khuẩn và mùi hôi hơn
Điều trị:
– Cơ học: cạo vôi và xử lý mặt gốc răng mỗi 3-6 tháng, hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách kết hợp dùng chỉ nha khoa/ tăm nước để tránh tích tụ mảng bám
– Hóa học: nước súc miệng (Listerine, Chlorhexidine gluconate CHX…) giúp giới hạn vi khuẩn và kiểm soát mùi.
c) Điều trị nguyên nhân hôi miệng do Khô miệng
Nước bọt có tác dụng kháng khuẩn và giúp giới hạn mùi hôi trong miệng, giảm hình thành mảng bám, sâu răng,… Khi lưu lượng nước bọt giảm, vi khuẩn sản sinh thêm nhiều hợp chất sulphur tạo mùi. Thực tế, hiện tượng “hơi thở buổi sáng” là kết quả của sự giảm tự nhiên lưu lượng nước bọt khi ngủ.
Điều trị:
– Kiểm tra tiền sử y khoa của bệnh nhân, bao gồm các thuốc đang sử dụng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nếu cần thay đổi thuốc cho bệnh nhân.
– Liệu pháp tăng nước bọt: uống nước thường xuyên, nhai kẹo cao su, chất làm ẩm, hạn chế hoặc bỏ rượu, caffeine,…
– Sản phẩm điều trị khô miệng không kê toa: Biotene products (Laclede), MouthKote (Parnell), XyliMelts (OralCoat), và các loại khác.
– Liệu pháp Fluoride: kem đánh răng có Fluoride PreviDent 5000 (Colgate)
Nếu người bệnh có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, thăm khám và điều trị liên quan tới răng miệng và hàm mặt vui lòng liên hệ khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện.
Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện thành phố Thủ Đức được thành lập và phát triển từ 17/08/2009 tới nay với 01 khu điều nội trú, 02 khu điều trị ngoại trú và 02 phòng khám Răng Hàm Mặt.
Khoa có chức năng khám, điều trị và dự phòng các bệnh lý về răng miệng và hàm mặt. Bên cạnh đó, khoa còn tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới cho các bệnh viện quận 11, bệnh viện huyện Củ Chi,…, tham gia công tác đào tạo các lớp định hướng, chuyên khoa 1 Răng Hàm Mặt, Y sĩ Răng Hàm Mặt,…. Khoa còn hợp tác với các tổ chức, các bệnh viện chuyên khoa trong và ngoài nước, các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt để nâng cao chuyên môn và triển khai các kỹ thuật mới.
Thời gian làm việc cụ thể người bệnh vui lòng liên hệ facebook Bệnh viện thành phố Thủ Đức hoặc hotline Bệnh viện: 0966331010.
– Bác sĩ Trần Thị Bích Như – Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện thành phố Thủ Đức –