Mong muốn giúp người bệnh nâng cao hiệu quả điều trị và mang đến sự tiện ích, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã triển khai dịch vụ Điều trị loãng xương bằng đường truyền tĩnh mạch (truyền thuốc). Với dịch vụ này, người bệnh chỉ mất khoảng 15 phút truyền thuốc nhưng hiệu quả trong 12 tháng và được chỉ định dùng thuốc 1 lần/ năm.
Vì sao nên điều trị loãng xương bằng đường truyền tĩnh mạch?
Loãng xương là bệnh lý phổ biến nhất hiện nay ở người cao tuổi, chỉ đứng sau bệnh tim mạch. Có 1/3 số phụ nữ và 1/5 số nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ loãng xương. Ban đầu bệnh hầu như không triệu chứng nhưng về lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: gù lưng, giảm chiều cao, biến chứng gãy xương,…Vì vậy, cần phát hiện và điều trị loãng xương sớm sẽ giúp phòng tránh và giảm thiểu biến chứng gây ra do loãng xương, đặc biệt là gãy xương.
Theo bác sỹ chuyên khoa cơ xương khớp nguyên tắc điều trị loãng xương bao gồm: chế độ vận động, sinh hoạt hợp lý; chế độ ăn bổ sung vitamin D (800 UI/ngày) và calci (800-1000 mg/ngày); loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được và kết hợp điều trị thuốc chống loãng xương.
Phần lớn thuốc điều trị loãng xương cần uống hàng tuần, uống trước bữa ăn sáng ít nhất 30 phút và sau uống không được nằm ít nhất 30-60 phút; sinh khả dụng đường uống thấp: 1- 3%; thuốc bị giảm hấp thu bởi thức ăn, đồ uống chứa sắt, calci. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng phụ như gây hội chứng trào ngược dạ dày thực quản và hạn chế sử dụng trên người bệnh có bệnh lý dạ dày – thực quản trước đó.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Đơn vị Cơ xương khớp Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện thành phố Thủ Đức triển khai dịch vụ: “Điều trị loãng xương đường tĩnh mạch bằng thuốc Acid zoledronic- Aclasta” giúp giảm thiểu tối đa tác dụng phụ khi dùng đường uống, nâng cao hiệu quả của điều trị và mang đến sự tiện ích cho người bệnh.
Điều trị loãng xương đường tĩnh mạch có ưu điểm gì?
Acid zoledronic – Aclasta có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ gãy xương hông, lún xẹp đốt sống; tăng mật độ chất khoáng của xương; phòng gãy xương tái phát sau gãy xương. Thuốc cũng giúp làm giảm đau cột sống trong trường hợp lún xẹp đốt sống do loãng xương.
– Thời gian truyền thuốc chỉ mất khoảng 15 phút nhưng hiệu quả trong 12 tháng và được chỉ định dùng thuốc 1 lần/ năm.
– Sử dụng cho người bệnh có chống chỉ định uống thuốc (bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản, người bệnh không có khả năng đứng hoặc ngồi trong 30 phút,…
– Hạn chế việc quên thuốc, bỏ thuốc, uống thuốc không đúng cách.
– Không cần chỉnh liều ở người bệnh suy gan, người già trên 65 tuổi.
Điều trị loãng xương đường tĩnh mạch khi nào?
Tscore ≤ -2.5 tại cột sống,cổ xương đùi, khớp hang.
Người bệnh thiếu xương hoặc giảm khối lượng xương có tiền sử gãy xương cột sống, cổ xương đùi do loãng xương.
-2.5 < Tscore < -1 FRAX 10 năm có nguy cơ chính gãy xương do loãng xương > 20% hoặc FRAX 10 năm có nguy cơ gãy xương khớp háng > 3%.