Cụ bà 72 tuổi với sức khỏe rất tốt, tinh thần vui vẻ và nụ cười trên môi bước vào phòng giao ban Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện thành phố Thủ Đức chào bác sĩ để hôm nay bà xuất viện về với gia đình.
“Nhìn vào vết cháy sạm da ở lồng ngực do bác sĩ sốc điện lúc tim ngừng đập, bà không nghĩ mình còn sống và khỏe mạnh như bây giờ để còn có thể sống vui vẻ bên con cháu”, cụ bà chia sẻ.
Bác sĩ trong Khoa Hồi sức Tim mạch nhớ lại ngày nhập viện bà lên cơn đau ngực dữ dội, rồi sau đó lịm đi, khi vào bệnh viện thì nhịp tim đã chậm và huyết áp tụt dần. Ngay khi bác sĩ Khoa Cấp cứu phát hiện bà bị nhồi máu cơ tim cấp, đã hội chẩn với ê-kíp can thiệp mạch vành Khoa Hồi sức Tim mạch và khẩn cấp đưa vào phòng thông tim để can thiệp động mạch vành. Nhưng chỉ sau 10 phút đưa vào phòng thông tim, lúc đang tiến hành nhanh chóng chụp động mạch vành thì tim bà đã rối loạn nhịp và ngừng tim liên tục, toàn bộ các bác sĩ và điều dưỡng đã cùng nhau chia nhiều nhóm ép tim, cung cấp oxy và sốc điện gần chục lần cho trái tim bà đập trở lại song song với hoạt động của ê-kíp can thiệp mạch vành.
Kết quả xác định bà bị tắc nghẽn toàn bộ động mạch vành bên phải với rất nhiều cục máu đông. Ê-kíp bác sĩ Khoa Hồi sức Tim mạch đã tiến hành truyền thuốc tan cục máu đông Alteplase vào trực tiếp trong động mạch vành bị nghẽn và sau đó nỗ lực hút ra rất nhiều cục máu đông tái thông dòng chảy. Khi động mạch vành lưu thông trở lại cũng là lúc trái tim bà đập lại từng nhịp điều hòa và chắc chắn trong lồng ngực. Nay bà đã khỏe, đi đứng không còn khó thở và xuất viện với nụ cười thật tươi.
Bác sĩ Nguyễn Thái Anh, Khoa Hồi sức Tim mạch, thành viên trong ê-kíp can thiệp cấp cứu cho biết, “Trường hợp bà cụ nhồi máu cơ tim rất nặng, ngưng tim nhiều lần, tỷ lệ tử vong có thể lên tới gần 80%. Rất may mắn là người bệnh đã đến bệnh viện sớm và được các bác sĩ khoa cấp cứu chẩn đoán nhanh chính xác, quan trọng hơn là sự phối hợp đồng bộ giữa ê-kíp can thiệp và ê-kíp hồi sức, nên dù người bệnh ngưng tim nhiều lần chúng tôi vẫn chủ động kiểm soát tình hình trong và sau quá trình can thiệp cấp cứu. Tôi vẫn nhớ như in khi bà cụ ngưng tim bên trong phòng cấp cứu, phía bên ngoài bác sĩ đã gặp để thông báo tình hình cho gia đình biết, người con gái của cụ bà nói rằng, chúng tôi tin tưởng và giao toàn bộ cho bác sĩ quyết định cách điều trị tốt nhất cho bà, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện”.
Rất may mắn cụ bà đã vượt qua được nguy hiểm và hồi phục sức khỏe tốt. Chúng tôi trân trọng và cảm ơn sự tin tưởng của gia đình đối với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện thành phố Thủ Đức. Đó chính là động lực lớn lao cho các y bác sĩ tiếp tục cống hiến hết mình trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
(Thông tin, hình ảnh đăng tải được Khoa Hồi sức Tim mạch cung cấp và đã được sự cho phép của gia đình người bệnh).