DINH DƯỠNG HỢP LÝ KHI MANG THAI

Lớp học tiền sản tuần cuối tháng 5/2022 do Khoa Sản, Bệnh viện thành phố Thủ Đức tổ chức với phần trình bày của bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh đã cung cấp cho các mẹ bầu kiến thức về dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, cách khắc phục các tình trạng khó chịu khi mang thai.

* Một số tình trạng khó chịu thường gặp trong thai kỳ

– Ốm nghén

– Tê chân

– Táo bón

– Ợ, trào ngược

* Khắc phục tình trạng khó chịu trong thai kỳ

– Ốm nghén: Thường gặp trong 03 tháng đầu của thai kỳ, có 70% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này. Thực phẩm không ưa thích: cá, thịt bò, thức ăn khô, thức ăn chiên xào, nhiều gia vị….

+ Cách khắc phục: Chọn thức ăn dễ được chấp nhận như thức ăn giàu chất bột đường, trái cây, thức ăn nước (cháo, phở, miến, sữa…). Giảm lượng thức ăn béo, ngọt. Ăn nhiều bữa nhỏ, ăn từ sáng sớm.

– Tê chân: Nguyên nhân thường gặp ở người Việt Nam do thiếu canxi.

+ Cách khắc phục: Tăng thức ăn giàu canxi như hải sản (tôm, cá,…). Uống sữa và ăn các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa.

– Táo bón: Có khoảng 35-40% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này trong suốt thai kỳ.

+ Cách khắc phục: Tăng lượng nước uống hằng ngày. Tăng lượng rau trái giàu chất xơ (chuối, khoai lang, thanh long, rau xanh). Tránh thức ăn gây táo bón. Uống sữa có bổ sung Probiotic.

– Ợ, trào ngược: Có khoảng 30-50% phụ nữ mang thai gặp tình trạng này trong suốt thai kỳ.

+ Cách khắc phục: Nên ăn nhiều bữa nhỏ, ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng 1 giờ sau khi ăn, sữa và các sản phẩm từ sữa có thể làm dịu bớt tình trạng này. Không nên ăn thức ăn béo, nhiều gia vị, thức ăn chua và không nằm ngay sau bữa ăn.

* Dinh dưỡng của mẹ và thai nhi: Chế độ dinh dưỡng của mẹ quyết định sự phát triển của thai nhi. Mẹ thiếu ăn hoặc ăn uống kiêng khem không hợp lý dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng trong bào thai, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp dưới 2.500 gram.

– Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt của thai phụ: Nhu cầu dinh dưỡng của thai phụ tăng cao trong 6 tháng cuối của thai kỳ (tăng 10-30%) năng lượng, chất đạm, calium, sắt, acid folic.

+ Chất đạm: Nguyên liệu xây dựng tế bào giúp mẹ bầu tăng tổng hợp protein cho cơ thể (tăng lượng máu, phát triển tử cung,…); đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo thể chất đối với thai nhi.

+ Canxi: Cần thiết cho sự hình thành, phát triển xương và mầm răng của thai nhi. Phòng ngừa tình trạng vọp bẻ, đau mỏi cơ ở thai phụ, nhất là 03 tháng cuối. Ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, hư răng ở người mẹ sau khi sinh con.

+ Sắt: Cần thiết cho sự tạo máu, nhu cầu tăng cao do sự phát triển của bào thai trong thai kỳ, nguy cơ mất máu lúc chuyển dạ. Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai làm chậm phát triển bào thai, sinh non, sẩy thai, thai chết lưu. Tai biến sản khoa, xuất huyết sau sinh.

– Folic acid (vitamin B9): Cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi. Thiếu acid folic ở phụ nữ mang thai có thể gây ra dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

* Xác định chế độ sinh dưỡng hợp lý:

– Đầy đủ 04 nhóm thức ăn: đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.

– Sự tăng cân của thai phụ: Người có cân nặng bình thường trong suốt thai kỳ, cần tăng thêm 10 – 12 kg thể trọng, 03 tháng đầu tăng 01 kg, 03 tháng giữa tăng 04 – 05 kg, 03 tháng cuối tăng 05 – 06 kg.