Mộng mắt (Mộng thịt) và các phương pháp điều trị

Mộng mắt hay còn gọi là mộng thịt là sự tăng sản của mô sợi, mạch máu từ kết mạc xâm lấn dần dần vào phần nông của giác mạc, là một bệnh mắt rất thường gặp.
Bệnh gây ảnh hưởng xấu đến chức năng thẩm mỹ và thị giác như giảm thị lực, cộm xốn, đỏ và chảy nước mắt, viêm kết mạc. Bệnh có thể gây biến chứng giảm thị lực nghiêm trọng và vĩnh viễn do che khuất trục quang học của mắt hoặc do sẹo đục giác mạc sau phẫu thuật, song thị do dính mi cầu, lọan thị, khuyết thị trường, viêm loét giác mạc.
Mộng thịt thường gặp ở những người sống nơi khí hậu nóng, ẩm và nhiều ánh sáng mặt trời, thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Nguy cơ bị bệnh mộng thịt nhiều hơn ở những người sống trong môi trường có nhiều cát bụi, gió, khói… Môi trường bị ô nhiễm càng nhiều thì bệnh mộng thịt xuất hiện càng nhiều. Tần suất bệnh cũng tăng ở những người làm các công việc ngoài trời mà hơn 50% số giờ phải tiếp xúc với tia cực tím. Mộng thịt thường thấy ở người trưởng thành và người già, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên dần từ tuổi 44 và cao nhất là 50-60 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người trẻ.
Khi mộng thịt còn nhỏ thường không gây triệu chứng chủ quan nào mà chỉ bị kích thích nhẹ trong giai đoạn viêm và cũng ít ảnh ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ. Khi mộng thịt phát triển hoặc có bội nhiễm, có thể gây kích thích nhiều như cảm giác cộm, xốn, chói sáng, chảy nước mắt, đỏ mắt góc trong hay góc ngoài. Nhìn mờ ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo kích thước và sự xâm nhập của mộng thịt vào giác mạc, gây loạn thị không đều, giảm thị lực chu biên sau đó là trung tâm và có thể gây mù lòa nếu che toàn bộ đồng tử. Các phương pháp điều trị bao gồm:
– Điều trị nội khoa: hiệu quả ít và không có kết quả lâu dài.
– Điều trị bằng các tác nhân vật lý: laser và xạ trị bằng tia Beta nhưng cũng ít hiệu quả.
– Điều trị bằng phẫu thuật và các phương pháp điều trị phối hợp: phẫu thuật áp dụng khi mộng thịt xâm lấn vào trục thị giác, có nhu cầu thẩm mỹ hay khi mộng thịt bị dính mi cầu làm hạn chế vận động nhãn cầu, song thị hay mắt bị lé. Để giảm tái phát sau phẫu thuật, người ta có thể phối hợp với các phương pháp khác như chiếu Laser Excimer hay áp các thuốc chống chuyển hóa như Mitomycin C.
Hiện khoa mắt Bệnh viện thành phố Thủ Đức vẫn đang liên tục điều trị phẫu thuật lột mộng thịt.