Hiện nay, các bệnh lý tim mạch, thận chuyển hóa có liên quan chặt chẽ với nhau và tạo nên một vòng xoắn bệnh lý, gây nên nhiều gánh nặng bệnh tật và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo thống kê, trên thế giới có đến gần 1/3 bệnh nhân đái tháo đường type 2 có bệnh tim mạch. Bệnh nhân mắc đồng thời đái tháo đường type2 và bệnh tim mạch thường tăng nguy cơ biến chứng (Nhồi máu cơ tim, bệnh thận mạn, đột quỵ…) cao hơn so với bệnh nhân chỉ mắc bệnh đái tháo đường type2.
Nhằm cập nhật các kiến thức về quản lý và điều trị bệnh Tim mạch – Thận chuyển hóa theo các khuyến cáo quốc tế và Việt Nam, trao đổi thêm cách phối hợp thuốc và thảo luận sâu hơn về điều trị bệnh; ngày 11/7, Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức tổ chức Hội thảo khoa học: “Hành trình kết nối liên chuyên khoa Tim Mạch – Nội Tiết – Thận trong quản lý điều trị bệnh mạn tính”. Tham dự chương trình có TS.BS Vũ Trí Thanh – Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (BVTPTĐ) làm chủ tọa, cùng báo cáo viên và đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện.
Tại chương trình, BSCKII. Ngô Thế Phi – Trưởng khoa Nội tiết, BVTPTĐ đã trình bày bài báo cáo “Quản lý toàn diện Tim mạch – Thận – Chuyển hóa qua tình huống lâm sàng: Tình huống Đái tháo đường type2 kèm bệnh Thận mạn”. Qua tình huống bệnh lý thực tế của bệnh nhân nam mắc đồng thời đái tháo đường type2 kèm tăng huyết áp; BSCKII. Ngô Thế Phi đã phân tích cụ thể về tình trạng bệnh, thói quen sinh hoạt, liệu pháp điều trị; từ đó tổng hợp toàn diện những lưu ý cần thiết trong quản lý điều trị: lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên, lời khuyên thay đổi lối sống để cải thiện bệnh và các vấn đề liên quan khác.
Nối tiếp chương trình, ban tham luận có ThS.BS Đào Quang Hoàng – Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, BVTPTĐ và BSCKII. Phạm Thị Ngọc Duy – Phó Trưởng khoa Nội thận – Thận Nhân Tạo, BVTPTĐ đã chia sẻ góc nhìn trong quản lý bệnh tim mạch kèm đái tháo đường, bệnh thận mạn kèm đái tháo đường trong thực hành lâm sàng.
Những kiến thức được chia sẻ tại chương trình hội thảo có ý nghĩa thiết thực trong việc ứng dụng vào điều trị bệnh nhân đồng mắc các bệnh mạn tính hiệu quả, đem lại nhiều cơ hội chữa trị tốt hơn cho cộng đồng.