Tìm hiểu về ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ

Ngày 21/2 hàng năm là ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ (tên tiếng anh là International Mother Language Day).

Nguồn gốc ra đời

Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế được UNESCO chọn tại hội nghị ngày 17 tháng 11 năm 1999. Ngày lễ quốc tế này đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận trong nghị quyết trong đó quyết định năm 2008 là Năm Ngôn ngữ Quốc tế.
Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hàng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt 

Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự do với 54 dân tộc và cũng là quốc gia đa ngôn ngữ. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, bảo tồn và phát huy sự thuần túy, trong sáng của tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ dân tộc luôn được chú trọng. Tiếng Việt góp phần trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, khẳng định vị trí Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Thế giới đã nghiên cứu nhiều về ngôn ngữ Việt Nam, nhận định rằng tiếng Việt phong phú và luôn phát triển không ngừng và tới thời điểm hiện tại vẫn không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiếng Việt.

Những năm trở lại đây, song song với quá trình toàn cầu hóa, sự giao thoa ngôn ngữ các quốc gia diễn ra mạnh mẽ khiến tiếng Việt cùng lúc phải “cạnh tranh” với nhiều ngoại ngữ khác. Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa tạo cơ hội cho tiếng Việt tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho vốn ngôn ngữ của ta giàu có. Nhưng mặt khác, tiếng Việt có nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách “thế giới phẳng” về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ xướng. Trong suốt những năm vừa qua, dù được đề cập dưới nhiều khía cạnh nội dung phong phú, nhưng mục tiêu thống nhất là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” vẫn luôn là một chủ đề liên tục được quan tâm bàn thảo.

Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất trong một cộng đồng dân cư rộng lớn. Với một quá trình phát triển đầy tự hào, đáng kể đến như tiếp thu vốn từ bên ngoài và điều chỉnh chủ động biến thành cái riêng, nét đặc biệt của người Việt,…đã và đang là tài sản quốc gia quý giá.

Vì vậy, giữ gìn, kế thừa và phát triển giá trị ngôn ngữ truyền thống, đồng thời “hội nhập nhưng không hòa tan” để không đánh mất bản sắc dân tộc, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú, đặc sắc hơn.