Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 3 trong ASEAN có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá, chỉ sau Indonesia và Philipines. Tuy có nhiều chính sách, nỗ lực cải thiện nhưng tỷ lệ hút thuốc lá giảm không đáng kể, đó vẫn còn là con số đáng báo động.

Trên thế giới đã có những nỗ lực trong chính sách cũng như những mục tiêu chung để giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Mặc dù có giảm nhưng con số không đạt được như mục tiêu đã đưa ra và còn nhiều quốc gia vẫn là những con số hữu hình cao ngất ngưởng.
Tại Việt Nam, mỗi năm có 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Trong đó, hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong mỗi năm.
Hút thuốc lá gây nên những tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của người hút trực tiếp cũng như “hút thụ động”. Tại Việt Nam, những căn bệnh của con người có tới 25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá có nguy cơ gây tử vong hàng đầu như đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Đặc biệt với trẻ em thuộc nhóm đối tượng có sức đề kháng chưa cao, rất dễ nhạy cảm với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc.
Những con số thực tế cho thấy tình trạng đáng báo động với những mầm non tương lai của đất nước khi có tới 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm bởi khói thuốc thụ động. Mỗi năm có đến 40.000 trường hợp tử vong do thuốc lá và 60% trẻ dưới 5 tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề do khói thuốc. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm, có tới 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động gây ra.
Nhiều người cho rằng: “Tôi hút thuốc chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôi, vô tình hít phải một hai làn khói thôi có gì mà nghiêm trọng”. Thực tế cho thấy, hút thuốc trực tiếp hay vô tình hít phải khói thuốc đều gây tác hại cho sức khoẻ như nhau. Chính vì những tư tưởng chủ quan, nhận thức về mối nguy hại do khói thuốc gây ra không đầy đủ mà những con số mắc bệnh, tử vong luôn ở mức cao ngất ngưỡng. Có rất nhiều phụ huynh, gia đình có thành viên hút thuốc vẫn chưa ý thức được thuốc lá – khói thuốc đang tàn phá cơ thể chính mình và những đứa trẻ từ bên trong, làm suy giảm các chức năng tim, gan, thận… và nhiều bệnh lý khác nhau như đã thống kê.
Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, hút thuốc hay hít phải khói thuốc thụ động không chỉ gây ảnh hưởng kết quả sinh sản mà còn theo trẻ đến khi chúng trưởng thành.

Nhìn chung, thuốc lá có thể gây những ảnh hưởng sau đến sức khỏe trẻ:
1/ Các bệnh liên quan đến hô hấp:
Phổi sẽ bị trực tiếp ảnh hưởng bởi khói thuốc. Một số triệu chứng thường gặp như cảm lạnh, cúm, ho có đờm, khó thở, viêm phổi… Hít phải khói thuốc lâu dài sẽ mắc bệnh hen suyễn và hô hấp mãn tính.
2/ Đột tử:
Một thành phần độc hại hàng đầu có trong khói thuốc là nicotine, dẫn đến tình trạng khó thở và đột tử ở trẻ.
3/ Hệ thần kinh:
Giai đoạn phát triển hệ thần kinh, hít phải thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển các kỹ năng lập luận, nhận thức, suy giảm các chức năng, giảm trí nhớ và gặp rắc rối về hành vi, chứng hiếu động thái quá.
4/ Tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen:
Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn và nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ là thành viên trong gia đình cha mẹ không hút thuốc.
5/ Viêm tai giữa cấp và mạn tính:
Tiếp xúc với khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị viêm tai mạn tính và tiết dịch tai giữa. Viêm tai giữa gây điếc và gây nên gánh nặng về kinh tế cho gia đình và cuộc đời của những đứa trẻ.
– Hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc để trẻ em được phát triển bình thường và khỏe mạnh –