Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25.5 – 31.5) và Ngày Thế giới không thuốc lá 31.5

“Sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây tốn tiền và phải trả giá bằng sức khoẻ”

Hiện nay, trên thị trường tồn tại nhiều loại thuốc lá với hình thức và cách sử dụng khác nhau. Một vài loại thuốc lá phổ biến có thể kể đến là: Thuốc lá điếu truyền thống, thuốc lá nhai, thuốc lá điện tử (đã bị cấm), thuốc lá nung nóng, xì gà, shisha, thuốc lào… Tất cả các loại thuốc lá, dù truyền thống hay hiện đại, có khói hay không khói, đều gây hại cho sức khỏe, gây nghiện, và tạo ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho cá nhân và xã hội. Không có loại thuốc lá nào là “an toàn” hay “ít hại”.

Một điếu thuốc lá thông thường chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có ít nhất 69 chất gây ung thư. Khi người hút đốt điếu thuốc, những chất này được sinh ra và đi vào phổi, máu và các cơ quan khác trong cơ thể. Các chất độc hại chính có trong 01 điếu thuốc lá gồm: Nicotin, Hắc ín, Carbon Monoxide, Amoniac…

Các tác động toàn thân của các chất độc: Đối với hệ thần kinh, nicotine làm thay đổi cấu trúc não, đặc biệt nguy hiểm với thanh thiếu niên. Về hệ tuần hoàn, carbon monoxide và nicotine gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ. Đối với hệ hô hấp, hắc ín và các chất khí độc gây viêm, tổn thương phổi, gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tác động lên hệ tiêu hóa gây tăng nguy cơ ung thư miệng, thực quản, dạ dày. Ngoài ra, thuốc lá còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tăng nguy cơ sảy thai và dị tật bẩm sinh.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và liên quan trực tiếp đến ít nhất 17 loại ung thư khác nhau. Dưới đây là các loại ung thư chính mà thuốc lá gây ra:

1/ Ung thư phổi:

o Loại ung thư phổ biến nhất do hút thuốc.

o Hơn 85% số ca ung thư phổi là do hút thuốc lá.

o Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 15–30 lần so với người không hút.

2/ Ung thư miệng, lưỡi, họng, thanh quản:

o Hút thuốc lá làm tổn thương trực tiếp các mô miệng và đường hô hấp trên.

o Người hút thuốc dễ bị ung thư miệng, lưỡi, vòm họng, thanh quản do tiếp xúc lâu dài với các hóa chất độc hại.

3/ Ung thư thực quản:

o Khói thuốc gây kích ứng niêm mạc thực quản và biến đổi tế bào theo thời gian.

o Nguy cơ tăng cao khi kết hợp hút thuốc và uống rượu

Người hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) cũng chịu những tác động nguy hiểm không kém với người hút thuốc lá chủ động, đặc biệt: trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền (hen suyễn, tim mạch…). Ảnh hưởng khi hít khói thuốc lá làm dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp; gia tăng tỉ lệ sảy thai, sinh non; nguy cơ tử vong sớm tăng 20-30% nếu tiếp xúc thường xuyên.

Người hút thuốc giảm tuổi thọ trung bình từ 10 đến 15 năm so với người không hút. Cứ 10 người hút thuốc thì có khoảng 1 người tử vong vì nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Theo Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có hơn 8 triệu người chết do thuốc lá, trong đó khoảng 7 triệu người tử vong do hút thuốc lá chủ động, hơn 1,3 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Tỷ lệ tử vong toàn cầu do thuốc lá chiếm 15% tổng ca tử vong không do truyền nhiễm; hơn 80% số người hút thuốc lá và tử vong sống ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 104.300 người tử vong liên quan đến thuốc lá, trong đó 85.500 người do hút thuốc chủ động và 18.800 người do hút thuốc thụ động. Đáng chú ý, phần lớn các ca tử vong này xảy ra ở độ tuổi lao động, gây tổn thất lớn cho nguồn nhân lực quốc gia.

Nhiều người lầm tưởng rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là lựa chọn an toàn hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn chứa nhiều hóa chất độc hại và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Năm 2023, tại Việt Nam ghi nhận 1.224 ca nhập viện liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, với các triệu chứng như dị ứng, ngộ độc và tổn thương phổi cấp . Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng- chỉ là cái bẫy mới vỏ bọc hiện đại. Cả hai loại này không giúp cai thuốc lá như quảng cáo, vẫn gây tổn thương tim, phổi, tăng nguy cơ ung thư, thậm chí nguy cơ cháy nổ do pin.

Hút thuốc lá không chỉ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế rất lớn, cả ở cấp độ cá nhân, gia đình, quốc gia và toàn cầu. Ước tính mỗi năm, Việt Nam mất khoảng 108.000 tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP) cho việc khám chữa bệnh và tổn thất năng suất lao động do các bệnh liên quan đến thuốc lá . Người dân Việt Nam chi khoảng 49.000 tỷ đồng mỗi năm để mua thuốc lá. Đối với các hộ nghèo, chi tiêu cho thuốc lá có thể chiếm tới 5% thu nhập, thậm chí cao hơn cả chi tiêu cho y tế hoặc giáo dục . Trung bình mỗi người hút 1 bao/ngày, giá khoảng 25.000–40.000đ/bao, mỗi tháng tiêu tốn: 750.000–1.200.000đ, mỗi năm: 9–14 triệu đồng, thậm chí hơn nếu hút nhiều. Với số tiền này, mỗi người có thể mua bảo hiểm y tế, đầu tư cho giáo dục, mua sắm, hoặc tiết kiệm cho tương lai.

Hiểu được các tác hại, nguy hiểm của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hãy hành động ngay hôm nay:

– Bỏ thuốc lá: Là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn và những người xung quanh.

– Hỗ trợ người thân bỏ thuốc: Khuyến khích và hỗ trợ người thân trong việc từ bỏ thói quen hút thuốc.

– Tham gia các chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá: Hãy tham gia các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá.

“Hãy bỏ thuốc ngay hôm nay – vì sức khỏe của bạn và người thân!”
– Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Khoa Nội tổng hợp –