Ngày 28/7 hàng năm, cộng đồng thế giới cùng hướng về Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động. Ngày này được chọn để tưởng nhớ Bác sĩ Baruch Samuel Blumberg – người có công phát hiện vi rút viêm gan B và phát triển vắc-xin phòng bệnh, đồng thời là dịp để toàn cầu cùng nâng cao nhận thức về căn bệnh nguy hiểm này.
Năm 2025, sự kiện mang chủ đề ý nghĩa “Viêm gan: Cùng nhau tháo gỡ rào cản”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ các rào cản về tài chính, xã hội và tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống viêm gan. Mục tiêu hướng đến là chấm dứt bệnh viêm gan như một vấn đề sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới với khoảng 6,5 triệu người nhiễm viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm.
Viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C, từ lâu đã được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Lý do là vì vi rút gây bệnh có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể suốt nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Điều này khiến người bệnh không biết mình đã nhiễm vi rút, dẫn đến việc phát hiện muộn, khi gan đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Bệnh viêm gan có nhiều loại và lây truyền qua các con đường khác nhau. Viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa – tức là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi rút. Trong khi đó, viêm gan B và C lại lây qua máu và các dịch cơ thể như quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu, dùng chung kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng… hoặc từ mẹ truyền sang con.
Hiện nay, y học đã có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả đối với viêm gan A và viêm gan B. Tuy nhiên, viêm gan C hiện vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu, vì vậy việc phòng ngừa chủ yếu dựa vào thay đổi hành vi và tăng cường ý thức cá nhân.
Để bảo vệ bản thân và cộng đồng, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tiêm vắc-xin đầy đủ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thực hiện quan hệ tình dục an toàn và không dùng chung các vật dụng có nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người có bệnh gan mạn tính và người cao tuổi.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan vi rút 28/7/2025, đây là thời điểm để cộng đồng cùng nâng cao nhận thức, chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh. Mỗi cá nhân, tổ chức cần đồng hành cùng ngành y tế trong việc tăng cường đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và thúc đẩy sàng lọc, điều trị sớm. Chỉ khi cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch viêm gan, bảo vệ sức khỏe toàn dân vào năm 2030.