Hiện nay, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, trong đó có Việt Nam. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội, do chi phí điều trị quá lớn, đầu tư thời gian, tiền của cũng như đòi hỏi về kĩ thuật y học cao. Nhưng các gánh nặng đó có thể được giảm tải khá nhiều khi bệnh nhân nhận diện sớm được đột quỵ và nhanh chóng liên hệ với đường dây nóng 115, được đội ngũ nhân viên cấp cứu ngoại viện đưa đến cơ sở có khả năng điều trị gần nhất, đồng thời cơ sở phải có quy trình đảm bảo việc cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ là nhanh và tối ưu nhất.
Nhằm mục tiêu hỗ trợ xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ hiệu quả đồng thời phối hợp nhịp nhàng công tác cấp cứu ngoại viện giữa các cơ sở Y tế trên địa bàn Thành phố (TP) Hồ Chí Minh và ứng dụng tại địa bàn TP Thủ Đức, ngày 07/8, Bệnh viện TP Thủ Đức (BVTPTĐ) tổ chức Hội thảo “Tối ưu hóa mạng lưới cấp cứu đột quỵ ngoại viện tại khu vực TP Thủ Đức 2024”. Chương trình có sự tham gia của TS.BS Vũ Trí Thanh – Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức làm chủ tọa, BSCKII. Nguyễn Văn Khuôn – Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức, BSCKII. Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, BSCKII. Nguyễn Văn Chức – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức cùng các báo cáo viên và 100 thành viên tham dự là các y bác sĩ đang công tác tại bệnh viện và các đơn vị bạn.
Phát biểu khai mạc, TS.BS Vũ Trí Thanh chia sẻ: “Ngày nay tỷ lệ đột quỵ ở các người trẻ tuổi đang ngày càng tăng cao. Việc tiếp cận và xử lý các ca đột quỵ, tận dụng thời gian vàng để cấp cứu kịp thời, nhanh chóng, bảo vệ các tế bào não, từ đó giảm được tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng bệnh sau này cho người bệnh. Vai trò của cấp cứu ngoại viện đối với bệnh nhân đột quỵ là rất quan trọng, giúp tối ưu hóa được quá trình rút ngắn thời gian cấp cứu. Hội thảo là dịp để y bác sỹ có cơ hội trao đổi, thảo luận tối ưu hóa quy trình điều trị đột quỵ, phối hợp giữa nội viện và ngoại viện trong thời gian sắp tới”.
Chương trình đã đem đến 03 bài báo cáo ý nghĩa: “Angels – Hành trình 6 năm đồng hành cùng mạng lưới đột quỵ tại Việt Nam” của ThS.DS. Nguyễn Thị Ngọc Trang – Quản lý chương trình Angels Việt Nam, “Xây dựng mạng lưới điều trị đột quỵ: Vai trò và xu thế phát triển” của BSCKI. Lê Công Trí – Trưởng Đơn vị Đột quỵ (BVTPTĐ) và “Phối hợp hiệu quả giữa cấp cứu ngoại – nội viện trên địa bàn thành phố Thủ Đức” của BSCKII. Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP. HCM.
Thông qua chương trình, các kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ là tiền đề cho toàn thể nhân viên bệnh viện được học hỏi, tiếp thu và ứng dụng vào thực tế, đem lại nhiều cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh đột quỵ.