Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não không được cung cấp máu do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, nhiều người không phát hiện được chứng đột quỵ, khiến thời gian điều trị bị chậm trễ, dẫn đến tàn tật, rơi vào hôn mê sâu, thậm chí là tử vong.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT ĐỘT QUỴ
Đột quỵ não có 2 loại chính là thiếu máu (do động mạch đến não bị thu hẹp hoặc bị chặn hoàn toàn bởi cục máu đông hoặc các mảng xơ vữa mạch máu) và xuất huyết (do mạch máu não bị vỡ hoặc biến dạng). Thời gian càng lâu, biến chứng của đột quỵ sẽ càng nặng nề. Vì vậy, cần hết sức chú ý những dấu hiệu nhận biết để có thể kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu: dấu hiệu FAST:
1. Face: Méo mặt, méo miệng 1 bên
2. Arm: Cánh tay.Một bên cánh tay hoặc chân bị tê mỏi và yếu hơn bên kia, khó giữ thăng bằng. Hãy nói bệnh nhân thử nâng cả hai tay lên, nếu một cánh tay không thể nâng hoặc yếu hơn bên kia thì đó là biểu hiện của đột quỵ.
3. Speak; Lời nói: Không nói chuyện được, nói đớ hay thay đổi giọng nói. Hãy nói bệnh nhân nói một câu xem có không nói được, nói lắp hoặc bị mất chữ so với lúc bình thường hay không.
4.Một số triệu chứng đột quỵ khác có thể bao gồm:
– Thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn ở một bên mắt hoặc cả hai mắt;
– Mất thăng bằng, đi không vững, chóng mặt, đau đầu dữ dội, lơ mơ hôn mê không tỉnh táo
LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN BỊ ĐỘT QUỴ
Nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân có các triệu chứng đột quỵ, hãy liên hệ với Đơn vị Cấp cứu 115 Bệnh viện thành phố Thủ Đức theo số điện thoại 028.22153115 trong thời gian sớm nhất để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn kịp thời.
Ngoài ra, trong thời gian chờ cấp cứu, bạn nên:
– Đỡ người bệnh nằm xuống để tránh bị ngã hay chấn thương. Tốt nhất là nằm nghiêng một bên với đầu nâng lên cao, để phòng trường hợp bệnh nhân bị tắc đường thở khi nôn ói. Trong trường hợp bệnh nhân chảy dãi hoặc nôn, cần làm sạch để bệnh nhân dễ thở.
– Trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê, cần kiểm tra hơi thở xem người bệnh có bị khó thở hay ngừng thở không. Nếu khó thở, hãy nới lỏng quần áo. Nếu ngừng thở, hãy thực hiện hô hấp nhân tạo.
– Tuyệt đối không cạo gió, bấm huyệt hay châm cứu.
– Tuyệt đối không ăn, uống hoặc tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
– Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, chỉ nên di chuyển bằng xe cứu thương hoặc ô tô.
Thời gian “vàng” để cấp cứu cho người đột quỵ là rất quan trọng nhằm tránh các biến chứng và nguy cơ tử vong cho người đột quỵ. Ngay cả người có các triệu chứng nhẹ, sau đó biến mất cũng cần hết sức cẩn thận. Hãy liên hệ ngay với Đơn vị Cấp cứu 115 Bệnh viện thành phố Thủ Đức theo số điện thoại 028.22153115 để được tư vấn và hướng dẫn trong thời gian sớm nhất, hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.