Vừa qua, Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức đã tiếp nhận trường hợp người bệnh Đ.T.K (sinh năm 1965) nhập viện trong trình trạng yếu tứ chi. Qua khai thác thông tin người bệnh được biết, trước khi nhập viện người bệnh có biểu hiện đau lưng nhưng sau khi xoa bóp tại nhà đã hết đau. Sáng hôm sau, khi đi thể dục người bệnh yếu nhẹ 2 chân, biểu hiện không rõ ràng nhưng đến chiều 2 lòng bàn chân và các ngón tay tê, yếu nhẹ nên đã đi khám. Sau 2 ngày nhập viện, người bệnh bắt đầu thấy yếu dần tay chân, triệu chứng tăng dần và được chẩn đoán mắc hội chứng Guillain Barré (GBS). Sau đó người bệnh thở mệt, nuốt sặc, nói khó, sức cơ 3/5 tứ chi, không đi lại được nên được đặt sonde dạ dày nuôi ăn và chuyển Khoa Hồi sức tích cực chống độc để tiến hành lọc máu thay huyết tương, tiếp tục theo dõi tình trạng diễn biến. Hai tuần sau, người bệnh được mở khí quản vì còn yếu cơ hô hấp, yếu cơ tứ chi nhưng hiểu biết xung quanh. Sau 2 tháng tập vật lí trị liệu kết hợp điều trị các biến chứng do nằm viện khác như viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, người bệnh được xuất viện, tỉnh táo, đã đi lại được dù còn yếu.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Nguyễn Khánh, Phó trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: “Mặc dù nguyên nhân của hội chứng GBS chưa được biết rõ nhưng nó liên quan nhiều đến tự miễn. Trong khoảng 2/3 số người bệnh, hội chứng GBS khởi phát từ ngày thứ 5 đến tuần thứ 3 sau khi mắc một bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật hoặc tiêm vắc-xin. Có một số trường hợp bệnh được cho là liên quan đến tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm vắc-xin cúm lợn năm 1976. Ở một số người bệnh, hội chứng GBS đã phát triển sau khi nhiễm vi-rút Zika hoặc sau COVID-19”.
Hội chứng GBS là bệnh cấp tính, tiến triển nhanh, đặc trưng bởi quá trình viêm tự miễn với viêm đa rễ dây thần kinh, gây ra yếu cơ và giảm cảm giác nơi thần kinh chi phối. Nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến tự miễn, chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Điều trị bao gồm truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch, lọc huyết tương và đối với trường hợp nặng cần phải thở máy.
Phương pháp thay huyết tương trong điều trị hội chứng GBS có nhiều ưu điểm như tỷ lệ thành công cao lên đến 95%, cải thiện được tình trạng bệnh lý của người bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp người bệnh hồi phục nhanh sau quá trình điều trị. Thay huyết tương nằm trong danh mục hỗ trợ của Bảo hiểm y tế.
Tuy phương pháp này có nhiều ưu điểm đáng để nhắc đến nhưng nó vẫn có một nhược điểm là người bệnh có thể bị sốc phản vệ, rối loạn huyết động. Do đó, trong quá trình thay huyết tương, bác sĩ phải chú ý theo dõi tình hình của người bệnh và cho dừng điều trị nếu thấy có các biểu hiện bất thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với hội chứng GBS, việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Khi phát hiện đột nhiên bị yếu tứ chi sau khi mắc một bệnh truyền nhiễm, phẫu thuật hoặc tiêm vắc-xin thì người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi, tránh di chứng tàn tật về sau.