HẬU COVID-19 Ở TRẺ EM

1. HỘI CHỨNG HẬU COVID-19 Ở TRẺ EM

Một số trẻ em sau khi nhiễm Covid-19 bị ảnh hưởng lâu dài về thể chất, cảm xúc và nhận thức mà không thể giải thích bằng một nguyên nhân nào khác. Các triệu chứng này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cản trở hoạt động bình thường của trẻ như học tập, vui chơi, thể dục thể thao.

Khám hậu Covid-19 cho trẻ em

Tùy theo thống kê ở mỗi nước mà tỷ lệ mắc hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em khác nhau. Nhưng nhìn chung thì tỷ lệ bị hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em ít hơn người lớn. 

Không phải trẻ em nào cũng bị hội chứng này, nhưng nó có thể xuất hiện bất kể trước đó trẻ nhiễm Covid-19 nặng hay nhẹ. Đặc biệt là chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) – một biến chứng nguy hiểm hiếm gặp thường xảy ra từ tuần thứ 2-8 sau khi trẻ nhiễm SAR-CoV-2.

Đối tượng dễ bị hội chứng hậu Covid-19 là trẻ em có triệu chứng bệnh trung bình (sốt cao liên tục trên 4 ngày, đau cơ khớp hơn 1 tuần, ớn lạnh hoặc hôn mê, phải nằm viện điều trị) hoặc mắc bệnh nặng (nằm ICU và/hoặc đặt nội khí quản). Ở trẻ em mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng thì gia đình cần theo dõi liên tục vài tháng sau khi trẻ nhiễm bệnh. 

2. KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19

Sau khi khỏi bệnh, nếu trẻ vẫn bị các triệu chứng Covid-19 hoặc xuất hiện các triệu chứng mới thì cần đưa trẻ đi khám. Một số triệu chứng thường gặp của hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em là:

– Mệt mỏi dai dẳng

– Yếu tay chân, đi lại khó khăn

– Khó thở, hụt hơi, nhất là sau khi vận động

– Đau cơ 

– Đau khớp

– Đau bụng, rối loạn tiêu hóa

– Đau nhức đầu

– Đau tức ngực

– Hồi hộp, đánh trống ngực

– Ho kéo dài

– Khạc nhiều đàm nhớt

– Mất ngủ

– Giảm khả năng ghi nhớ

– Khó tập trung, khó suy nghĩ khi học tập

– Thay đổi cảm xúc hoặc hành vi

– Phát ban, da ửng đỏ

– Mất vị giác/khứu giác

Đặc biệt cần lưu ý các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C:

– Sốt cao kéo dài

– Đau bụng

– Tiêu chảy

– Da phát ban

– Mắt, môi và lưỡi đỏ

– Tim đập nhanh, chóng mặt hoặc choáng váng

– Ngón tay, ngón chân sưng nhẹ

– Nôn ói

– Sưng hạch bạch huyết ở cổ

MIS-C cần được điều trị tại bệnh viện. Hầu hết trẻ em có thể phục hồi nhanh chóng nếu được điều trị sớm. MIS-C có thể gây ra tổn thương các cơ quan như tim, phổi, thận, gan, não… nếu không được phát hiện sớm. Do đó, sự quan sát của gia đình là hết sức cần thiết.

3. CÁC XÉT NGHIỆM KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19 Ở TRẺ EM

Khám hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em

Bác sĩ Nhi khoa và/hoặc Bác sĩ Hô hấp đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe trẻ em và trẻ vị thành niên sau khi nhiễm Covid-19. Sự phối hợp chăm sóc giữa gia đình và bác sĩ chuyên khoa đem lại hiệu quả tối ưu bảo vệ sức khỏe của trẻ. 

Thăm khám sau khi nhiễm Covid-19 giúp sàng lọc và điều trị các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em sau khi nhiễm bệnh, bao gồm các bệnh lý thực thể và bệnh lý tâm thể có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý xã hội của trẻ.

Khám sức khỏe hậu Covid-19 cho trẻ em và vị thành niên (từ 0-17 tuổi) bị các triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19 bao gồm các đánh giá kiểm tra về tình trạng đông máu, nhiễm trùng, chức năng tim, gan, thận, tiêu hóa… Một số xét nghiệm cơ bản là:

a. Xét nghiệm máu

– Xét nghiệm công thức máu

Xét nghiệm công thức máu toàn phần đo thành phần và đặc điểm của máu. Kết quả bất thường gợi ý một số tình trạng như: thiếu máu, nhiễm trùng, tăng sinh hạch bạch huyết, rối loạn đông máu,… và một số bệnh lý khác về gan, thận, suy giáp…

– CRP

Viêm là cơ chế quan trọng để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm phạm như chuyển hóa, vật lạ, kháng nguyên hoặc vi khuẩn. Tình trạng viêm phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe đang diễn ra. Trong đó xét nghiệm CRP giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng và bệnh mạn tính, cũng như các nguy cơ tim mạch tiềm ẩn.

– D-Dimer

Xét nghiệm D-Dimer kiểm tra tình trạng tăng đông. Tăng đông máu là tình trạng làm xuất hiện các cục máu đông hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan, có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi, tổn thương chi, thận hay đường tiêu hóa.

– Ferritin

Xét nghiệm Ferritin để kiểm tra lượng sắt dự trữ trong cơ thể nhằm đánh giá tình trạng thiếu sắt liên quan đến một số tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý.

– Albumin

Xét nghiệm Albumin giúp đánh giá chức năng và tình trạng gan. Albumin suy giảm cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh thận, dinh dưỡng kém hay tình trạng viêm nhiễm.

– Creatinine

Chỉ số Creatinine là giá trị quan trọng để đánh giá chức năng và chẩn đoán mức độ tổn thương thận. 

– Men gan (ALT, AST)

ALT là một chỉ số men gan khá đặc hiệu để phát hiện tình trạng tổn thương gan. AST thường được đo cùng ALT để kiểm tra các vấn đề về gan. 

b. Chẩn đoán hình ảnh

– X-Quang

Phổi là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi SAR-CoV-2, do đó các triệu chứng hô hấp kéo dài như đau tức ngực, ho, khó thở khi vận động cũng không phải hiếm gặp. 

Trẻ em có các triệu chứng về hô hấp nên thực hiện X-quang để đánh giá chức năng, tình trạng và vị trí tổn thương phổi.

– Điện tâm đồ 

Các nguy cơ tiềm ẩn về bệnh tim là một khía cạnh cần được quan tâm của bệnh Covid-19. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sau khi nhiễm Covid-19 có thể phát triển thành viêm cơ tim, bất kể người bệnh Covid-19 nhẹ hay nặng. Ở trẻ em, MIS-C có thể gây ra viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim và các vấn đề về động mạch vành. 

Điều này rất đáng lo ngại ở trẻ em, do đó điện tâm đồ là một kiểm tra hình ảnh cận lâm sàng cần thực hiện ở những trẻ em bị hội chứng hậu Covid-19, nhất là khi trẻ bị đau tức ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, mệt mỏi nghiêm trọng.

– Siêu âm bụng

Hội chứng hậu Covid-19 có thể gây ra tình trạng đau bụng và rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Siêu âm bụng tổng quát giúp phát hiện một số hình ảnh bất thường của cơ quan nội tạng.

Trên đây là những xét nghiệm cơ bản để kiểm tra tổng quát sức khỏe ở trẻ em. Thông thường, Bác sĩ Nhi khoa hoặc Bác sĩ Hô hấp sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm trên hoặc bổ sung một số xét nghiệm khác tùy thuộc vào các triệu chứng khi đánh giá lâm sàng. 

4. KIỂM TRA SỨC KHỎE TÂM THẦN – MỘT HỘI CHỨNG HẬU COVID-19 Ở TRẺ

Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ

Các rối loạn sức khỏe tâm thần như căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ, trầm cảm, rối loạn tâm trạng, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)… có thể là một phần của hội chứng hậu Covid-19.

Thời gian học online kéo dài, trẻ em không được tiếp xúc với bạn bè và giáo viên, không thể tham gia các hoạt động thể thao và giải trí ngoài trời; dành phần lớn thời gian sử dụng điện thoại, xem tivi, chơi game… có tác động xấu đáng kể đến tâm sinh lý của trẻ. Thậm chí một số trẻ bị phụ thuộc vào thiết bị số và cảm thấy bứt rứt không yên nếu không được sử dụng chúng.

Những trẻ bị nhiễm Covid-19 phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, bị cách ly hoàn toàn với gia đình, bạn bè, cùng với nỗi sợ bệnh tật khiến các em dễ bị rối loạn sức khỏe tâm thần. 

Trẻ em và trẻ vị thành niên đã bị một trong những tình trạng rối loạn tâm thần trước đó như rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm trạng và rối loạn hành vi là những đối tượng dễ bị tổn thương. Bệnh Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, do đó cần được chú ý đặc biệt.

Sức khỏe tâm thần ở trẻ em và vị thành niên cần được đánh giá bởi Bác sĩ Nhi khoa hoặc Bác sĩ Tâm thần kinh (tâm thể) để gia đình được hướng dẫn cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ, xây dựng khả năng phục hồi.

Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích con tham gia các hoạt động lành mạnh như phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chơi trò chơi sáng tạo, chơi ngoài trời, đọc sách, vận động; cần tăng cường giao lưu, trò chuyện, lắng nghe con cái; hạn chế thời gian sử dụng điện thoại và tivi ngoài thời gian học online. Việc tăng cường tương tác sẽ giúp cải thiện tâm trạng và tăng tự tin cho trẻ.