TRẦM CẢM SAU SINH VÀ BIỂU HIỆN

Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh tâm lý thường gặp, xảy ra ở khoảng 10 – 20% phụ nữ sau khi sinh nở. Bệnh lý này biểu hiện qua khí sắc trầm buồn, chán nản, mệt mỏi và hình thành những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Trầm cảm sau sinh (Postpartum Depression) là một rối loạn cảm xúc xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh nữ. Bệnh lý này điển hình bởi sự giảm khí sắc kéo dài trong khoảng 1 năm đầu tiên. Ít người biết rằng, chứng trầm cảm sau sinh còn có thể ảnh hưởng đến nam giới nhưng tỷ lệ ít gặp nên không được đề cập nhiều.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 10 – 20% phụ nữ sau khi sinh mắc phải rối loạn trầm cảm. Trong đó có 15% trường hợp xảy ra trong 3 tháng sau khi sinh và 15 – 25% xảy ra trong năm đầu tiên. Trầm cảm sau sinh không chỉ gây ra tình trạng buồn bã, mệt mỏi, thiếu tập trung,… mà còn sinh ra cảm giác chán ghét hoặc thậm chí là muốn giết cả con mình.

Vì vậy, người thân trong gia đình cần có sự quan tâm đối với phụ nữ sau khi sinh để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị phù hợp. Với những trường hợp nặng, người mẹ cần được cách ly ra khỏi con trẻ để tránh những tình huống đáng tiếc. Trầm cảm nói chung và trầm cảm sau sinh nói riêng có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Do đó ngoài sức khỏe thể chất, gia đình cũng cần quan tâm đến sức khỏe tâm lý của các sản phụ.

Trầm cảm sau khi sinh thường biểu hiện qua những triệu chứng sau:

– Triệu chứng về cảm xúc (cảm xúc bị ức chế):

Khí sắc trầm buồn, có cảm giác buồn bã kéo dài, buồn không rõ nguyên nhân, mức độ buồn chán có thể tăng lên dẫn đến hành vi bạo lực với con trẻ hoặc thậm chí là tự sát.

* Cảm thấy trống rỗng, tuyệt vọng, chán nản

* Cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và thiếu năng lượng

* Luôn cảm thấy bản thân xấu xí, bất tài, vô dụng, kém hấp dẫn, có cảm giác hối hận và tội lỗi

* Lo âu, lo lắng quá nhiều, có rất nhiều luồng suy nghĩ đan xen trong đầu nhưng đa phần đều mơ hồ, không rõ ràng

* Sợ hãi, lo lắng và luôn có cảm giác bản thân làm tổn thương đứa trẻ

* Sợ bị bỏ rơi, ở 1 mình và sợ phải đi ra bên ngoài

– Dấu hiệu về hành động:

* Mất hoặc giảm sự yêu thích, hứng thú và quan tâm với mọi thứ xung quanh – kể với những thói quen, món ăn, hoạt động yêu thích trước đây

* Cảm giác kiệt sức, nhanh mệt mỏi sau khi làm việc và không muốn thực hiện bất cứ hoạt động nào

* Ăn uống quá mức hoặc chán ăn

* Không quan tâm, chăm sóc bản thân

* Rối loạn giấc ngủ (ngủ ngày, thức đêm, ngủ quá nhiều, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng,…)

* Ngại gặp gỡ, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh

– Các biểu hiện về suy nghĩ:

* Khó khăn khi đưa ra quyết định – ngay cả với những việc đơn giản nhất

* Nhầm lẫn, giảm trí nhớ

* Giảm sự tập trung, chú ý khi làm việc nhà, chăm sóc con cái, học tập và làm việc

* Có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát

* Có ý nghĩ làm tổn thương đứa trẻ và người thân

– Các triệu chứng khác:

* Vã mồ hôi

* Hồi hộp

* Đau đầu

* Giảm hứng thú tình dục, thậm chí cảm thấy khó chịu khi bạn đời ôm ấp, gần gũi

Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh tâm lý phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, phát hiện bệnh và can thiệp điều trị sớm là vấn đề hết sức cần thiết.