“BÁC SĨ HẬU TRƯỜNG” TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Khi nhắc đến khu cách ly hay bệnh viện dã chiến, mọi người thường nhớ đến hình ảnh những “chiến binh áo trắng” trong bộ độ bảo hộ kín mít. Hình ảnh đó đã đi vào lòng người bằng sự cảm phục, sự kính trọng. Ít ai biết rằng, bên cạnh đó còn có những người “bác sĩ hậu trường” ngày đêm kiên trì bám trụ bệnh viện với vô số công việc không tên đã góp phần hỗ trợ công tác điều trị thuận lợi và hiệu quả hơn. Câu chuyện của anh Nguyễn Hồng Phúc, một “bác sĩ hậu trường” tại khu cách ly tập trung KTX Đại học Tài chính – Marketing, có thể giúp chúng ta phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của những nhân viên y tế nơi đây.

Sinh năm 1993, bác sĩ Phúc làm việc tại Khoa Nội tim mạch – Lão học Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, từ năm 2017, với chuyên môn là thực hành lâm sàng nội tim mạch. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cũng như các đồng nghiệp của mình, anh được điều động tới khu cách ly tập trung F0 làm nhiệm vụ điều trị trực tiếp cho người bệnh. Trong quá trình làm việc, bs Phúc nhận thấy có nhiều việc không được “trơn tru” lắm do mọi thứ đều rất mới mẻ… Vốn có kỹ năng về công nghệ thông tin, bs Phúc nhận thấy cần phải có sự thay đổi trong cách quản lý bệnh nhân giúp cho việc theo dõi bệnh án được thuận lợi hơn nên đã xung phong vào “hậu trường” để giải quyết những khúc mắc ban đầu.

Việc đầu tiên bs Phúc làm là chuyển việc quản lý bệnh nhân từ phần mềm MQ của bệnh viện sang Excel. Theo anh, phần mềm của bệnh viện có nhiều thông số (nhằm phục vụ công tác điều trị trong điều kiện bình thường), việc cập nhật thông tin bệnh nhân có khá nhiều thao tác dẫn đến việc theo dõi bệnh án bị chậm. Trong lúc số lượng bệnh nhân quá lớn mà yêu cầu các tầng điều trị toàn bệnh viện phải đọc được tất cả các bệnh án để hội chẩn kịp thời với các ca chuyển nặng nên có một số khó khăn nhất định. Khi xây dựng phần mềm quản lý này trên Excel, bs Phúc đã tối giản được việc quản lý thông tin bệnh nhân, giúp bác sĩ điều trị theo dõi bệnh án một cách đầy đủ, thuận lợi nhất. Sau khi anh triển khai thành công việc này, các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trong hệ thống BV Thành phố Thủ Đức đều áp dụng phương pháp này, giúp có thể theo dõi, quản lý thông tin số lượng bệnh nhân lớn (có lúc trên 1.000 người).

Trong những ngày đầu bùng dịch (đỉnh điểm là 4 tuần đầu), số ca F0 tăng nhanh, số bệnh nhân trở nặng nhiều, thậm chí tử vong, làm nhân viên y tế trở nên căng thẳng. Trước tình hình đó, bs Phúc đã xin ý kiến người phụ trách khu cách ly tổ chức các bữa ăn chung, cùng nhau ngồi nói chuyện, tâm sự để tạo không khí thân tình, giúp mọi người vững niềm tin bước vào trận chiến. Những bữa ăn như một gia đình giúp mọi người giải tỏa stress, dỡ bỏ gánh nặng, kiên cường đối mặt với thực tại để tiếp tục công việc, là chỗ dựa vững vàng cho người bệnh.

Đa phần bệnh nhân khi vào khu cách ly thường đi cả gia đình, có người già, có trẻ con. Mọi người thường có tâm lý khá “sốc” khi biết mình F0. Nhiều người thường nghĩ vào khu cách ly sẽ bị “giam” trong căn phòng chật hẹp, không có người tâm sự…sinh ra chán nản. Nắm được tâm lý đó, cùng với việc hiểu những F0 có thể giao lưu với nhau an toàn, bs Phúc đã kiến nghị với Ban Quản lý khu cách ly, cho phép các bệnh nhân dạo chơi trong khuôn viên, cùng nhau tập thể dục, đánh cờ… Đối với bệnh nhi, bs Phúc rất chú ý đến tâm lý; dịp Tết Trung thu anh đã “đạo diễn” một chương trình hoành tránh, nhờ vậy, cả nhân viên y tế, cả người lớn và trẻ em đều có một đêm hội trăng rằm thật sự ấm cúng.

Công việc bình thường trong một ngày của bs Phúc là: tư vấn cho bệnh nhân qua điện thoại, giải quyết hồ sơ ra viện, chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân và giải quyết thủ tục hành chính, kiêm luôn việc giải tỏa tâm lý căng thẳng cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Có lẽ vì thế mà mọi người tại khu cách ly “thăng chức” “lớp phó đời sống” cho anh. Nhưng việc mà bs Phúc tâm đắc nhất khi làm một “bác sĩ hậu trường” là anh đã giúp cho nhiều người trong khoảng một thời gian ngắn có thể bình tâm, thoải mái với việc điều trị. Có những ngày anh tiếp nhận cả trăm cuộc điện thoại từ bệnh nhân. Có bệnh nhân bức xúc vì mình đang bị bệnh phổi mà nhân viên y tế lại cho ăn cơm gà. Họ dùng lời lẽ khá nặng nói với anh. Tuy nhiên, sau khi nghe anh giải thích, trong hoàn cảnh cả thành phố đóng cửa để có phần cơm cho hàng ngàn bệnh nhân là nỗ lực của rất nhiều người, bệnh nhân đã hiểu và rất xúc động, từ đó hợp tác tốt với bác sĩ điều trị.

Bác sĩ Hoàng Văn Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch – Lão học BV Thành phố Thủ Đức, người quản lý khu cách ly tập trung KTX Đại học Tài chính – Marketing nhận xét: “Bác sĩ Phúc rất cần cù, chịu khó học hỏi cái mới để vận dụng vào công việc. Mỗi ngày làm việc ở đây của Phúc không dưới 12 giờ. Anh tình nguyện làm mọi việc, cống hiến hết mình để góp sức vào công tác chống dịch và chưa bao giờ phàn nàn về công việc áp lực mà mình đảm nhiệm…”.

Các bệnh viện, khu cách ly khác hẳn cũng có những “bác sĩ hậu trường” như bs Phúc. Đó là những người đóng góp một cách lặng lẽ và cũng rất đặc biệt để giúp người bệnh vững vàng vượt qua bệnh tật, sớm khỏe mạnh để về nhà!