Rất nhiều người khi mắc COVID-19 kiêng khem nhiều loại thực phẩm vì nghe truyền miệng ăn các thực phẩm đó khiến bệnh nặng thêm. Bài viết tổng hợp một số thực phẩm mà người bệnh nghe đồn đoán là phải kiêng, thực hư thế nào?
1. Kiêng thịt gà khi bị ho, sốt?
Thực tế thông tin F0 không ăn được thịt gà là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi bị mắc COVID-19, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút và cơ thể bị tiêu hao nhiều năng lượng nên việc bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý với những thực phẩm giàu protein là rất cần thiết để cơ thể khỏe mạnh.
Thịt gà chứa nhiều protein và chất xơ, đây là hai chất dinh dưỡng quan trọng nhất mà cơ thể cần khi hạ sốt.
Ngoài ra, trong thịt gà còn là thực phẩm dồi dào vitamin B6, B12, các khoáng chất như selen, kẽm… sẽ giúp duy trì hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động một cách bình thường, từ đó ngăn được sự hoạt động của các virus gây bệnh.
Chính vì vậy, ăn thịt gà khi bị ho, sốt là hoàn toàn an toàn và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể để phục hồi. Cần chú ý là cách chế biến những món với ít dầu mỡ và gia vị như cháo gà, súp gà, canh gà… Đây cũng là một nguồn cung cấp chất lỏng và chất điện giải tuyệt vời, giúp cung cấp và giữ nước cho cơ thể. Chất lỏng nóng này cũng là một loại thuốc thông mũi tự nhiên giúp giảm ho và nghẹt mũi bằng cách ức chế hoạt động của bạch cầu trung tính gây ra chúng.
2. Ăn tôm làm F0 ho nặng hơn?
Nhiều người có quan niệm khi bị ốm, bị ho tuyệt đối không nên ăn tôm vì sẽ làm bệnh lâu khỏi, ho kéo dài hơn. Với người mắc COVID-19 ho nhiều có phải kiêng tôm?
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, chuyên gia dinh dưỡng thì ho là do bệnh lý chứ không phải do ăn uống. Nếu nói ăn tôm gây ho là do phần vỏ và càng của tôm có thể gây ho do kích ứng niêm mạc đường hô hấp và khả năng dễ bị mắc, dính ở cổ họng, gây ngứa, ho. Thịt tôm không phải là nguyên nhân gây các cơn ho hoặc khiến cơn ho nặng thêm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì trong 100g tôm tươi chứa khoảng 24g protein, đáp ứng 41% nhu cầu protein mỗi ngày của cơ thể. Còn 100g tôm khô chứa 75,6g protein, đáp ứng 66% nhu cầu protein mỗi ngày của cơ thể. Có thể thấy hàm lượng protein có trong tôm là khá cao.
Tôm là thực phẩm giàu chất đạm và giúp bổ sung canxi cho cơ thể. Với hàm lượng protein khá cao trong tôm cho thấy đây là nguồn cung cấp protein giá trị cho sức khỏe con người, nhất là với những người mắc COVID-19 cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Cần lưu ý về cách chế biến tôm cho người bệnh COVID-19, nên bóc sạch vỏ tôm do vỏ tôm, càng tôm, râu tôm còn sót lại không tốt đối với người mắc COVID có triệu chứng ho vì có thể bị dính, vướng ở miệng hay họng trong khi ăn. Chú ý chế biến các món ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo tôm, súp tôm, bún hay bánh đa nấu tôm…
3. F0 có nên ăn trứng?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong số các chất dinh dưỡng, protein trong đó có trứng là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất có thể giúp chống lại coronavirus, có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn. Trứng chứa rất nhiều axit amin và chất chống oxy hóa, giúp cải thiện sức khỏe và giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động một cách tốt nhất. Mỗi quả trứng chứa 7g protein xây dựng cơ bắp ngoài các vitamin cốt lõi thiết yếu như selen (22%) và vitamin A, B và K. Trứng cũng chứa một chất dinh dưỡng khác là riboflavin (vitamin B2), rất quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng. Ăn trứng có thể giúp chống lại nhiễm trùng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao bệnh nhân COVID được khuyến cáo ăn trứng.
Deeksha Arora – chuyên gia dinh dưỡng tại Apollo Spectra Delhi
“Trứng cũng có thể giúp khắc phục các bệnh nhiễm trùng do cảm lạnh và cúm. Protein giúp xây dựng lại và phục hồi cơ bắp. Đôi khi, mọi người có thể bị đau cơ khi nhiễm COVID, vì vậy, hãy ăn trứng theo lời khuyên của bác sĩ.”
4. Người mắc COVID-19 uống nước dừa được không?
Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Người nhiễm COVID-19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng và nước là vô cùng quan trọng với người mắc COVID-19. Đặc biệt, trong trường hợp có sốt nên uống oresol để bù nước và điện giải. Và uống nước dừa cũng là thức uống tốt để bù nước và điện giải.
Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều.
Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
5. Chuối có tốt cho người mắc COVID-19?
Khi mắc COVID-19, ngoài các biểu hiện thường gặp như ho, sốt, nhiều người sẽ có cảm giác nhạt miệng, chán ăn. Lúc này, chuối là một lựa chọn hoàn hảo vì chúng dễ nhai và nuốt, lại có vị ngọt dễ chịu.
Chuối cũng rất giàu vitamin và khoáng chất như kali, mangan, magiê, vitamin C và vitamin B6. Lưu ý chuối là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều chuối mỗi ngày. Chuối có nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và axit amin, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn tới thừa chất, rối loạn các vi chất trong cơ thể. Người đái tháo đường không nên ăn nhiều chuối, nhất là chuối chín vì dễ làm đường huyết tăng cao.
6. Có nên ăn dưa hấu?
Dưa hấu là trái cây có giá trị dinh dưỡng với vị ngọt thanh mát, hấp dẫn. Dưa hấu chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như: kali, magiê và vitamin như vitamin C, beta carotene (giúp sản xuất vitamin A), vitamin B1, B5, B6…
Người mắc COVID-19 có thể ăn đa dạng các loại trái cây tươi. Dưa hấu cũng là loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất, nhiều nước và chất xơ tốt cho tiêu hóa. Đặc biệt là vitamin C, A, lycopen có trong dưa hấu giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể nên người mắc COVID-19 có thể ăn được nếu không có bệnh lý đặc biệt cần áp dụng chế độ ăn riêng.
7. Người mắc COVID-19 không nên uống cà phê?
Đối với người mắc COVID-19, khi biết mình nhiễm bệnh, tâm lý chung của đa số người bệnh là rất lo lắng, căng thẳng kèm theo triệu chứng mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ… thì việc uống đồ uống chứa nhiều caffeine gây kích thích thần kinh như cà phê sẽ không tốt cho sức khỏe.
Những người ít có thói quen sử dụng cà phê thì càng có nguy cơ tăng biểu hiện hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh, mất ngủ… Đặc biệt, trong trường hợp người mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, tiêu chảy… không nên uống cà phê để phòng nguy cơ mất nước.
Cách tốt nhất để tăng cường thể trạng là ăn uống đủ dinh dưỡng, uống nước ấm, nếu có sốt nên uống nhiều nước và uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải.
Người mắc COVID-19 cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối
– Đảm bảo đủ các và đa dạng các nhóm thực phẩm bao gồm: nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm.
– Không bỏ bữa: Ăn đủ 3 bữa chính và tăng cường thêm các bữa phụ.
– Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <10% tổng năng lượng ăn vào).
– Không kiêng khem thực phẩm nếu không có dị ứng thực phẩm hoặc theo lời khuyên riêng của bác sĩ. Người có thể trạng gầy, trẻ em cần bổ sung thêm các thực phẩm có nhiều năng lượng và protein như sữa và các sản phẩm từ sữa.