Lớp học tiền sản – Nuôi con bằng sữa mẹ SỮA MẸ GIÚP CON TRẺ MAU LỚN, KHỎE MẠNH VÀ THÔNG MINH

   Lớp học tiền sản tuần 3 tháng 4 được Khoa Sản – Bệnh viện thành phố Thủ Đức tổ chức với chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ” qua phần chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Xuân Quỳnh.
     1. Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ
     * Đối với con: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé; giúp trẻ dễ hấp thu, dễ tiêu hóa; bảo vệ cơ thể chống các bệnh nhiễm khuẩn; sữa mẹ giúp bé phát triển trí thông minh.
     *Đối với mẹ: Gắn bó tình cảm mẹ con; giảm nguy cơ chảy máu sau sanh; không tốn kém, không mất thời gian pha chế; chậm có thai lại.
     2. Những nguyên tắc cơ bản về nuôi con bằng sữa mẹ
     * Sau khi đẻ: Trẻ mới sanh cần nằm cạnh mẹ.
     * Cho con bú sớm ngay sau đẻ:
  • Những tháng cuối của thai kỳ và nhất là những ngày đầu sau sanh, vú bà mẹ tiết ra một chất dịch màu vàng sậm và sánh đặc được gọi là sữa non. Sữa non chứa nhiều kháng thể, nhiều protein kháng khuẩn và nhiều bạch cầu giúp cơ thể trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng; giúp hạn chế hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh. Sữa non giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A. Sữa non sẽ giảm nhanh trong vòng vài ngày đầu sau sanh và dần dần được thay thế bởi sữa thật sự trong vòng 4-6 tuần.
  • Do động tác mút đầu vú của trẻ gây phản xạ lên tuyến yên làm tiết oxytocin nên tử cung sẽ co chặt lại, tránh được băng huyết sau sanh.
  • Sữa về sớm, vú tiết sữa nhiều hơn, ít bị sưng đau và nhiễm khuẩn ở vú.
     * Cho con bú hoàn toàn đến 6 tháng sau đẻ: 6 tháng đầu sữa mẹ là thức ăn duy nhất cho trẻ, cho bú theo nhu cầu, cho con bú ban ngày lẫn ban đêm, không cho con ăn hoặc uống thêm bất kỳ loại sữa hoặc nước hoa quả nào.
     3. Hướng dẫn bà mẹ cách cho bú
  • Cách ôm con: Có thể cho bú nằm hoặc ngồi.
  • Cho trẻ bú hết bầu vú bên này thì chuyển sang cho bú bên kia. Khi bú no không nên đặt trẻ nằm ngay mà nên bế vác trẻ lên vai, xoa vỗ nhẹ vào lưng cho hơi trong dạ dày thoát ra, tránh bị trớ.
  • Mỗi ngày trẻ bú ít nhất 7-8 lần, bú cả ban đêm; trẻ bú đủ mỗi tháng cân nặng tăng > 500g và đi tiểu bình thường.
  • Có thể cho con bú 24 tháng.
     4. Hướng dẫn cách giữ gìn nguồn sữa mẹ
+
  • Bà mẹ cần ăn no, nhiều bữa, đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước.
  • Ngủ đủ giấc 8 tiếng/ngày.
  • Cuộc sống gia đình hạnh phúc.
  • Nếu vú bị cương đau cũng vẫn cần cho con bú.
     5. Những trường hợp không thể nuôi con bằng sữa mẹ
  • Người mẹ bị nhiễm HIV/AIDS: Trẻ bú mẹ có thể bị lây nhiễm. Trong gia đình hoàn cảnh túng thiếu, nguy cơ đứa bé có thể chết vì suy dinh dưỡng thì vẫn cần khuyên bà mẹ cho con bú.
  • Các bà mẹ bị suy tim, lao phổi nặng hoặc bệnh gan đang tiến triển.
  • Các bà mẹ đang phải điều trị các thuốc chống ung thư, thuốc điều trị bệnh động kinh, thuốc hướng tâm thần.
     6. Các biến chứng thường gặp ở tuyến vú khi cho con bú
  • Căng sữa: Sau 2-3 ngày vú bà mẹ có hiện tượng căng sữa là bình thường, khuyến khích bà mẹ cho bú thường xuyên.
  • Cương tức tuyến vú: Do không cho con bú hoặc trẻ ngậm vú không đúng cách nên dùng gạc mát đắp lên 2 vú, xoa nắn, vắt sữa bằng tay hoặc bằng bơm hút.
  • Viêm vú: Hậu quả cương tức tuyến vú hoặc tắc ống dẫn sữa mà không được xử trí dẫn đến áp se cần phải rạch thoát dẫn lưu mủ.