TRẦM CẢM Ở NGƯỜI MẮC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

   Đái tháo đường là căn bệnh không thể chữa trị dứt điểm, người bệnh chỉ có thể sống cùng với bệnh. Trong đó, việc kiểm soát đường huyết vô cùng quan trọng, dễ tạo ra áp lực cho người bệnh. Theo nhiều nghiên cứu, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 lần so với người bình thường.
   Có thể nói rằng, sự nghiêm ngặt trong điều trị đái tháo đường làm người bệnh căng thẳng, dẫn đến nhiều biến chứng trong đó có các biến chứng thần kinh; từ đó xuất hiện trầm cảm. Ngược lại, trầm cảm cũng dễ làm người bệnh ăn uống vô độ, hút thuốc, uống rượu, lười vận động, tăng cân, đây là những yếu tố gây ra đái tháo đường. Trầm cảm ảnh hưởng đến công việc, giao tiếp và suy nghĩ. Những điều này tác động đến việc điều trị đái tháo đường.
   * Các triệu chứng trầm cảm người đái tháo đường thường gặp
  • Không còn hứng thú với các hoạt động. Người bệnh mất dần các sở thích vốn có như bóng đá, ca nhạc, du lịch, mua sắm…
  • Thay đổi giấc ngủ: mất ngủ, thức giấc khó ngủ lại hoặc ngủ nhiều cả ngày.
  • Thay đổi ăn uống: ăn ít hoặc nhiều hơn bình thường dẫn đến khó kiểm soát cân nặng.
  • Khó tập trung khi xem truyền hình, học hành, làm việc.
  • Mất sức sống, căng thẳng, mệt mỏi mọi lúc.
  • Cảm giác tội lỗi: xem mình là gánh nặng của gia đình, xã hội.
  • Có suy nghĩ, hành vi tổn hại cơ thể
   * Nên làm gì với người mắc trầm cảm và đái tháo đường
   Người bệnh cần sự quan tâm, giúp đỡ của người thân trong gia đình và các chuyên gia tâm lý. Tìm nguyên nhân gây ra trầm cảm và loại trừ chúng. Thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên, áp dụng chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của người bệnh.
   * Phòng ngừa trầm cảm ở người đái tháo đường
   Người thân trong gia đình có người mắc đái tháo đường nên quan tâm, chia sẻ động viên người bệnh. Đồng thời người mắc đái tháo đường cũng cần chia sẻ cảm xúc với người thân gia đình và bạn bè, giúp họ hiểu về bệnh đái tháo đường và tạo điều kiện cho mình thực hiện chế độ ăn uống cũng như các chế độ điều trị và luyện tập một cách nghiêm túc.
   Sớm chấp nhận bản thân mắc đái tháo đường nhằm kịp thời điều chỉnh những hành vi có hại cho sức khỏe như: bỏ ngay thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan, duy trì luyện tập thể lực, tìm hiểu nhiều về bệnh đái tháo đường và việc điều trị bệnh; tránh tâm lý bi quan, chán nản, dễ dẫn đến không tuân thủ chế độ điều trị.
   Thăm khám thường xuyên để theo dõi những thay đổi của cơ thể như tổn thương ở bàn chân để có các biện pháp xử trí kịp thời, tránh nguy cơ cắt cụt chi.
   Luyện tập thể thao thường xuyên giúp giảm cân, giảm đường huyết và tăng cường năng lượng, sức chịu đựng của cơ thể; từ đó thúc đẩy các hormon “vui vẻ” trong não và kích thích tăng trưởng các tế bào não mới, tương tự như thuốc chống trầm cảm.
   Quan trọng nhất trong việc đối phó với chứng trầm cảm đái tháo đường là việc người bệnh chấp nhận điều trị, thay đổi lối sống, hành vi, chia sẻ để nhận được sự giúp đỡ của người thân, gia đình và bạn bè. Sống vui, sống khỏe cùng bệnh đái tháo đường.