Bệnh vảy nến (psoriasis) là một bệnh da mạn tính thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 1-3% dân số thế giới. Bệnh tiến triển thành từng đợt xen kẽ những giai đoạn ổn định, dai dẳng suốt đời; gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh và là bệnh lý chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.
Bệnh vảy nến gây ra những mảng da đỏ, ngứa ngáy, có vảy ở trên và thường xuất hiện ở những vùng da hay bị ma sát như đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu.
Những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh lý này là:
- Xuất hiện nhiều mảng da đỏ, có vảy dày và óng ánh bạc
- Có nhiều đốm vảy nhỏ
- Da khô, nứt nẻ, có khi chảy máu hoặc ngứa ngáy
- Cảm giác ngứa, nóng rát hoặc đau nhức ở vùng da bị ảnh hưởng
- Móng tay dày, có vết lõm hoặc đường rãnh
- Các khớp bị sưng và cứng
Bệnh vảy nến không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây lan qua những tiếp xúc thông thường. Bệnh nhân vảy nến có thể sinh hoạt trong cùng môi trường với người bình thường mà không lo truyền nhiễm. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh vảy nến cần tiến hành càng sớm càng tốt vì bệnh có thể lan rộng nhanh chóng trên các khu vực cơ thể lân cận. Vì lúc này hệ thống miễn dịch của da yếu, từ đó hình thành tổn thương trên da.
Mức độ lan rộng của vảy nến còn phụ thuộc vào dạng vảy nến mà người bệnh mắc phải. Trong đó, đối với loại vảy nến dạng ban đỏ sẽ lan rộng khắp cơ thể, tiến triển phức tạp khiến các triệu chứng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh vảy nến nói chung có nhiều khả năng lây lan sau khi người bệnh gãi và chủ quan trong điều trị. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị vảy nến đặc hiệu. Các phương thức chữa trị sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan, hạn chế các đợt vảy nến tiếp theo bùng phát.
Đối với những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến, người bệnh bị rối loạn hệ thống miễn dịch có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn. Đồng thời bệnh nhân gặp phải các tổn thương da, thường làm việc trong môi trường kém chất lượng cũng là những yếu tố nguy cơ làm bệnh vảy nến lây lan nhanh.