HỘI THẢO KHOA HỌC: CẬP NHẬT XỬ TRÍ UNG THƯ PHỔI – LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH

   “Cập nhật xử trí ung thư phổi – Lý thuyết đến thực hành” là chủ đề của Hội thảo khoa học do Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức tổ chức ngày 15/5/2022 tại Quận 1, TP.HCM. Tham dự hội thảo có PGS.TS.BS Cung Thị Tuyết Anh, Nguyên Trưởng khoa Xạ 4, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là cố vấn khoa học; BSCKII. Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện TP Thủ Đức; BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức; các chuyên gia, bác sĩ đến từ các bệnh viện trong và ngoài nước; cùng các y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện TP Thủ Đức.
   Phát biểu khai mạc hội thảo, BSCKII. Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: “Với mục đích cập nhật các kiến thức mới trong việc điều trị ung thư phổi, Bệnh viện TP Thủ Đức đã mời các chuyên gia từ nước ngoài và các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao tại Việt Nam cùng đến tham dự hội thảo; qua đó kịp thời trao đổi các kiến thức chuyên môn, giúp cho việc chẩn đoán ngày càng tốt hơn. Với điều kiện hiện nay, việc cập nhật các kiến thức, trang thiết bị mới sẽ giúp phát hiện bệnh sớm kết hợp điều trị kịp thời, có thể mang đến cho người bệnh cơ hội hồi phục thành công”.
   Hội thảo đã cùng nghe và thảo luận 17 bài báo cáo qua phần trình bày của các chuyên gia, bác sĩ: GS. Nir Peled, Trung tâm Y khoa Shaare Zedek, Đại học Hebrew, Jerusalem, Israel; TS. Từ Ngọc Ly Lan, Viện Di truyền y học TP.HCM; TS.BS Lê Tấn Đạt, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park; ThS.BS BasMa M’Barek, Đại học Y dược Saint Louis – Paris Pháp; ThS.BSCKII Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức; BSCKII. Trần Đình Thanh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn; BSCKII. Lâm Quốc Trung, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM;….
   Theo đó, nội dung các bài báo cáo gồm có: Tình hình ung thư phổi ở Việt Nam; Sinh thiết lỏng trong phát hiện khối u tồn dư vi thể và theo dõi tái phát: những kết quả bước đầu; Y học chính xác trong ung thư phổi – NGS từ mẫu mô, mẫu máu; Điều trị nhắm trúng đích trong ung thư phổi EGFR, ALK, ROS, RET, cMET; Một số điểm nhấn trong xử trí phẫu thuật ung thư phổi không tế bào nhỏ; Ca lâm sàng ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR; Ca lâm sàng ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến kép EGFR đồng lao phổi; Ca lâm sàng ung thư phổi không tế bào nhỏ có tái sắp xếp ALK; Làm sao phát triển xét nghiệm phân tử; Liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi – Giai đoạn tiến xa và tại chỗ; Hóa trị trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa; Xạ trị ung thư phổi không tế bào nhỏ; Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ; Ca lâm sàng ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa tại chỗ được điều trị bằng hóa xạ trị đồng thời và điều trị duy trì; Ca lâm sàng hóa trị trong ung thư phổi không tế bào nhỏ; Ca lâm sàng sử dụng liệu pháp miễn dịch trong ung thư phổi không tế bào nhỏ.
   Phát biểu tại hội thảo, ThS.BSCKII Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: “Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao do đại đa số các trường hợp đều phát hiện muộn, vì thế hội thảo đã thu hút nhiều bác sĩ từ các bệnh viện đến tham dự, trao đổi, cập nhật thông tin. Thông qua hội thảo, các bác sĩ đã học tập lẫn nhau nhiều kinh nghiệm trong việc xử trí ung thư phổi từ các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để áp dụng điều trị cho người bệnh”
   Tổng kết chương trình hội thảo, Cố vấn khoa học PGS.TS.BS Cung Thị Tuyết Anh chia sẻ rằng: “Trải qua một ngày làm việc xuyên suốt, cật lực dù có mệt nhưng lợi ích có được thật là xứng đáng. Tất cả đại biểu tham dự hội thảo đã có trải nghiệm một ngày đầy ắp thông tin, kiến thức mới về ung thư phổi. Mong rằng những thông điệp từ hội thảo hôm nay sẽ giúp chúng ta vững vàng hơn nữa trong thực hành lâm sàng hằng ngày. Xin cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ đã cùng dành thời gian đến tham dự đóng góp tích cực nội dung chuyên môn cho hội thảo”.
   Theo thống kê, tại Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Căn nguyên gây tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu với thể ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm đến 85% các trường hợp. Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, cách tiếp cận đúng trong chẩn đoán, điều trị sẽ góp phần làm tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh.