Hội chứng MIS-C – viết tắt của “Multisystem Inflammatory Syndrome in Children” là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em có tiền sử mắc COVID-19 trước đó.
Đây là một hội chứng mới, được xác nhận lần đầu tiên vào tháng 4/2020 tại Mỹ và Anh. Hội chứng MIS-C là một tình trạng bệnh lý không phổ biến, như tại Mỹ tỉ lệ MIS-C ở trẻ em sau mắc COVID-19 là khoảng 0,6%, tức là 1.000 trẻ sau mắc COVID-19 thì có khoảng 6 trẻ bị hội chứng MIS-C. Hội chứng này thường xảy ra vào khoảng 2 đến 6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, tuy nhiên cũng có thể gặp sớm hơn hoặc trễ hơn khoảng thời gian này.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo báo cáo nhanh từ các bệnh viện chuyên khoa Nhi trên địa bàn TP.HCM, trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2022, ghi nhận có 315 trẻ được chẩn đoán MIS-C hoặc nghi ngờ MIS-C trên tổng số trẻ em mắc COVID – 19 (trong cùng giai đoạn) là 71.076 trẻ, chiếm tỷ lệ 0,4%, tất cả đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong. Trong đó, lứa tuổi thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi (149 trường hợp, chiếm 47,3%), kế đến là trẻ từ 5 đến 12 tuổi (145 trường hợp, chiếm 46%) và cuối cùng là trẻ trên 12 tuổi (21 trường hợp, chiếm 6,7%).
* Những triệu chứng của MIS-C ở trẻ em
Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu như:
– Sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ.
– Rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy.
– Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim.
– Riêng biến chứng viêm mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như dãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.
* Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể gặp:
– Tăng hoặc giảm bạch cầu
– Tăng các chỉ số viêm: máu lắng, CRP, procalcitonin, ferritin…
– Sinh hóa: Tăng men tim, tổn thương gan thận..
– X quang có thể thấy tổn thương phổi
– Siêu âm có tổn thương tim..
Sở Y tế khuyến cáo: trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi. Các trẻ sau khi bị MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kì mỗi tháng trong ít nhất 3-6 tháng sau đó hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch.
Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp mắc hội chứng MIS-C sẽ có đáp ứng tốt. Như vậy MIS-C là một hội chứng nặng và nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ em đã nhiễm COVID-19 trước đó với tỷ lệ khá thấp (0,4%).
Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa trẻ em mắc hội chứng MIS-C là cho tất cả trẻ em đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên tiêm vắc-xin COVID-19. Đồng thời cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế nhiễm COVID-19 như:
– Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông đông người.
– Đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi công cộng và xung quanh những người mà trẻ sống cùng, những khu vực có khả năng lây truyền cao ngay cả khi đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay.
– Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi hợp lý.
– Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.