Lớp học tiền sản tuần 4 tháng 4 được Khoa Sản – Bệnh viện thành phố Thủ Đức tổ chức với chủ đề “Thiếu máu thai kỳ” qua phần chia sẻ của bác sĩ Phạm Thái Hiển.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng có nguy cơ thiếu máu rất cao, vì khi mang thai là giai đoạn nhu cầu chất sắt tăng lên gấp nhiều lần nhằm cung cấp cho bào thai, nếu không bổ sung dinh dưỡng kịp thời tình trạng thiếu máu càng trở nên nặng nề, ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này. Theo thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia 2009 – 2010, tại Việt Nam tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 36.5%; chính vì thế, phụ nữ ở giai đoạn mang thai cần lưu ý đến những nguy cơ thiếu máu thai kỳ.
1. Triệu chứng thiếu máu:
Cơ thể xuất hiện các triệu chứng như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức, da niêm nhạt, móng giòn dễ gãy, lưỡi mất gai, nứt nẻ.
2. Hậu quả thai phụ thiếu máu
Thiếu máu khi mang thai dễ gây nên tình trạng thiếu oxy ở một số cơ quan như tim, não… có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con.
- Hậu quả với mẹ: Tăng tỷ lệ tử vong khi sanh, nguy cơ băng huyết sau sanh, nguy cơ nhiễm trùng hậu sản, nguy cơ sẩy thai.
- Hậu quả với con: Tăng tỷ lệ chết chu sinh, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non.
3. Nguyên nhân gây thiếu máu
- Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu sắt, vitamin B12, Acid Folic.
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh máu di truyền.
- Do lượng sắt phải được dự trữ cho khối lượng máu tăng lên để cung cấp hemoglobin cho bào thai.
- Thiếu máu do thiếu sắt: hồng cầu nhỏ, nhược sắc.
4. Dự phòng thiếu máu thiếu sắt
Thai phụ nên uống sắt và Acid Folic từ trước khi mang thai 3 tháng để phòng chống tình trạng khuyết tật ống thần kinh do thiếu Acid Folic và duy trì trong thời gian mang thai cho đến sau sinh 1 tháng để phòng chống thiếu máu.
- Đối với người phụ nữ mang thai bình thường: liều khuyến cáo sắt 60mg + acid folic 400mcg/ ngày
- Đối với người thiếu máu do thiếu sắt: 2mg/kg cân nặng (hoặc có thể hơn tuỳ tình trạng thiếu máu nhiều hay ít) + 400mcg Acid folic.
VD: người 50kg sử dụng viên có hàm lượng # 100mg sắt + 400mcg Acid Folic.
Đồng thời, nên tăng cường các thực phẩm giàu Vitamin C giúp tăng hấp thu sắt. Hạn chế sử dụng trà, cà phê trong quá trình mang thai.
5. Bệnh Thalassemia trong thai kỳ
Thalassemia là bệnh lý di truyền phổ biến, làm giảm lượng hemoglobin bình thường trong hồng cầu. Tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, khoảng 10 triệu người mang gen bệnh. Mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia.
Mức độ biểu hiện Thalassemia trong thai kỳ, tùy theo số lượng gen bị tổn thương:
- Mức độ rất nặng: biểu hiện phù thai từ khi còn trong bụng mẹ, mất thai trước khi trẻ có khả năng sinh sống hoặc tử vong ngay sau sinh.
- Mức độ nặng: biểu hiện thiếu máu nặng rất sớm, khi trẻ chưa đến 2 tuổi.
- Mức độ trung bình: biểu hiện thiếu máu rõ ràng khi trẻ lớn hơn 6 tuổi.
- Mức độ nhẹ: không có biểu hiện bất thường trên lâm sàng, chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu.
- Thể ẩn: không có biểu hiện.
Biểu hiện bệnh lý Thalassemia thể nặng: trẻ có biểu hiện từ ngay sau khi ra đời, rõ ràng nhất là khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi. Biểu hiện sẽ ngày càng nặng hơn theo sự phát triển của trẻ. Trẻ dễ gặp các hiện tượng như: Lách to, nguy cơ nhiễm trùng, biến dạng xương, xương dễ gãy, bệnh lý tim do ứ sắt, chậm phát triển tâm thần – vận động.
6. Cơ chế di truyền bệnh lý Thalasemia
Người mắc bệnh lý Thalassemia và những người có mang gen bệnh tan máu bẩm sinh có thể di truyền gen bất thường cho con cái.
Để phòng ngừa bệnh lý thiếu máu, thai phụ nên tầm soát tiền sản sớm để phát hiện những bất thường thai kỳ. Khám thai định kỳ, đặc biệt ở tuần 12 và 18 để phát hiện những bất thường của thai nhi. Bổ sung sắt và Acid Flolic theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh và còn có thể tái tạo tế bào hồng cầu mới, hỗ trợ và hạn chế tình trạng thiếu máu khi mang thai. Thai phụ không tự ý dùng thuốc vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cả mẹ và bé.