CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

1. Những sai lầm khiến trẻ mắc tay chân miệng trở nặng
   Phụ huynh khi thấy con mắc bệnh, nổi bọng nước thì hạn chế tắm rửa, cho trẻ mặc đồ quá kín hoặc có nhiều phụ huynh tự ý bôi các loại thuốc lên da, các nốt ban của trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Những việc làm trên có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da hoặc làm che lấp đi các dấu hiệu chuyển nặng của trẻ, khiến các bác sĩ rất khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến bệnh.
2. Phân biệt loét miệng với bệnh tay chân miệng, lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà
   90% các ca bệnh tay chân miệng đều ở thể nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà, trong vòng 7 – 10 ngày bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý một số điều khi tiến hành điều trị tay chân miệng tại nhà để trẻ nhanh khỏi, tránh trở nặng.
   BSCKII. Dư Tuấn Quy – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Loét miệng, đẹn miệng với tay chân miệng đều có các dấu hiệu xuất hiện trong khoang miệng. Khi loét miệng miệng bình thường các vết loét là áp – tơ và chỉ có 1 vết loét duy nhất. Trẻ cũng có thể bị đau miệng, chảy nước miếng và sốt nhẹ kèm theo. Còn loét miệng do tay chân miệng thì ngoài 1 vết loét sẽ có thêm các vệ tinh, các vết loét, vết chấm loét xung quanh”.
   Khi phát hiện các vết loét miệng điển hình của bệnh tay chân miệng ở miệng thì cần tìm kỹ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông…. để phát hiện thêm những vết loét, ban đỏ khác. Phụ huynh cũng cần phải lưu ý vì hiện tượng sốt, biếng ăn, chảy nước miếng của tay chân miệng cũng dễ bị nhầm lẫn với mọc răng.
Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC