VAI TRÒ CỦA CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) TRONG KHẢO SÁT CÁC BỆNH LÝ GAN MẬT

Sỏi đường mật là bệnh lý gặp phổ biến ở Đông Á, được đặc trưng bởi các đợt viêm đường mật tái phát, nếu không được điều trị có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, xơ gan mật và tử vong. Cho đến nay, sỏi đường mật vẫn là bệnh lý khó điều trị triệt để với khả năng sót sỏi sau mổ và sỏi tái phát thường gặp, khiến bệnh nhân phải can thiệp ngoại khoa nhiều lần.
Hiện nay, nhờ sự tiến bộ của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, siêu âm nội soi, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, chụp mật – tụy ngược dòng qua nội soi… bệnh lý sỏi đường mật được chẩn đoán chính xác về vị trí, số lượng và đặc điểm của sỏi. Siêu âm qua thành bụng được chỉ định đầu tiên để chẩn đoán sỏi đường mật, đây là kỹ thuật không xâm lấn, dễ thực hiện. Tuy nhiên, siêu âm phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên độ nhạy trong chẩn đoán sỏi đường mật không cao, nên siêu âm chỉ dùng trong sàng lọc bước đầu. Chụp cắt lớp vi tính cũng là một kỹ thuật hình ảnh chẩn đoán sỏi đường mật. Tuy nhiên, kỹ thuật này phụ thuộc nhiều vào tình trạng giãn đường mật và mật độ Canxi của sỏi.
Ths.Bs. Thái Huyền Trang, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức cho biết: Đối với bệnh lý phức tạp như sỏi đường mật, sau khi siêu âm phát hiện sỏi thì cần khảo sát các bất thường về đường mật. Chụp cộng hưởng từ (MRI) mật – tụy cho phép tạo ảnh theo nhiều mặt phẳng khác nhau, cho phép tái hiện cây đường mật trong không gian ba chiều, vì vậy giúp cung cấp thông tin chính xác về vị trí sỏi, phát hiện các bất thường về đường mật như giãn, hẹp cũng như các biến đổi giải phẫu đường mật.
Nhờ những ưu điểm trên, cộng hưởng từ được chỉ định rộng rãi trong khảo sát các bệnh lý gan mật. Trong một nghiên cứu của Khoa Chẩn đoán Hình ảnh Bệnh viện TP Thủ Đức cho thấy, bệnh lý sỏi đường mật trong gan thường phối hợp sỏi ngoài gan. Sỏi thường không hiện diện đơn độc một viên mà gặp nhiều viên với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau. Cộng hưởng từ với chuỗi xung T2W, MRCP và kỹ thuật chụp HASTE giúp chẩn đoán chính xác vị trí, số lượng và kích thước sỏi, có thể phát hiện những sỏi nhỏ khoảng 2-3mm. Ngoài ra, theo các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về thành phần của sỏi, cộng hưởng từ có thể chẩn đoán thành phần của sỏi dựa trên tín hiệu sỏi trên chuỗi xung T1W dựa vào các thành phần kim loại như sắt, đồng, Canxi trong sỏi nhờ đặc tính cận từ của chúng.
Bên cạnh chẩn đoán sỏi, cộng hưởng từ còn có ưu thế trong chẩn đoán các biến chứng của sỏi, đây là điều các nhà ngoại khoa quan tâm để lập kế hoạch điều trị. Viêm đường mật, áp xe gan mật quản, hẹp đường mật, teo nhu mô gan khu trú, đặc biệt là ung thư biểu mô đường mật là biến chứng nặng nề của bệnh. Độ chính xác trong chẩn đoán ung thư biểu mô đường mật của MCRP là 100%, các chuỗi xung sau tiêm thuốc đối quang từ giúp chẩn đoán mức độ lan rộng của khối u.
Vì vậy, chụp cộng hưởng từ mật – tụy có nhiều ưu điểm so với các phương tiện chẩn đoán khác trong chẩn đoán xác định bệnh lý sỏi và các biến chứng. Bệnh viện TP Thủ Đức được trang bị máy cộng hưởng từ 3.0 Tesla cho chất lượng hình ảnh cao, thời gian chụp nhanh, cho phép đánh giá toàn diện bệnh lý sỏi đường mật nói riêng và các bệnh lý gan mật khác nói chung.
* Hình ảnh chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân sỏi đường mật gan trái và biến chứng viêm đường mật được chụp tại Bệnh viện TP Thủ Đức.