CÓ THAI KHI ĐIỀU TRỊ UNG THƯ – NÊN HAY KHÔNG NÊN?

1. Khi nào nên có thai sau điều trị?
– Quyết định để có thai nên được chủ động tính trước, thông thường sau khi ngưng điều trị từ 6 tháng đến 2 năm bệnh nhân có thể để mang thai. Tuy nhiên thời gian này tùy thuộc vào cơ quan bị bệnh, giai đoạn bệnh, tuổi bệnh nhân, tình trạng kinh nguyệt sau điều trị và phương pháp điều trị trước đó, những bệnh nhân ung thư cổ tử cung, buồng trứng… nên đợi thời gian lâu hơn những người bị ung thư vùng đầu cổ hay phổi.
– Do đó khi đang điều trị ung thư, bệnh nhân nên chủ động ngừa thai, không chỉ phụ nữ, mà cả bệnh nhân nam cũng nên chủ động ngừa thai do nhiều thuốc hóa trị ảnh hưởng đến tinh trùng. Nếu chẳng may, có thai khi đang điều trị, bệnh nhân phải báo với bác sĩ điều trị để bàn cách xử trí tốt nhất.
2. Những phương pháp điều trị ung thư có ảnh hưởng đến thai nhi?
– Câu trả lời là có thể, tuy nhiên hiện nay chưa có nghiên cứu xác định được mức độ ảnh hưởng cụ thể. Phần lớn các thuốc trị ung thư là các thuốc gây độc cho tế bào nên về lý thuyết các thuốc này có thể gây hại cho thai nhi, hoặc xạ trị trực tiếp vào vùng chậu có thể gây viêm dính tử cung hoặc biến đổi buồng trứng; tuy nhiên may mắn là các nghiên cứu ghi nhận tình trạng thai nhi và em bé sau sanh vẫn không khác đáng kể so với các bé được sinh từ mẹ khỏe mạnh, tỷ lệ sinh non và nhẹ ký có tăng nhẹ trong nhóm trẻ có mẹ bị ung thư nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé về sau.
– Các thuốc mới như điều trị nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch ảnh hưởng ra sao lên thai nhi vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết, tuy nhiên các chuyên gia vẫn khuyên nên tránh dùng các thuốc này trong suốt thời gian mang thai hoặc ít nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
3. Thai kỳ có ảnh hưởng xấu đến bệnh ung thư?
– May mắn là các nghiên cứu cho thấy thai kỳ không làm nặng thêm tình trạng bệnh ung thư, nếu có thể là do việc trì hoãn điều trị trong giai đoạn có thai.
4. Cha bị ung thư có thể để có con được không?
– Giống như phụ nữ, các phương pháp điều trị ung thư đều có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của người đàn ông bao gồm tác động trực tiếp đến tinh trùng, giảm số lượng tinh trùng và tinh dịch. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến mức nào là điều chưa được làm rõ, tùy thuộc vào loại ung thư, độ tuổi của bệnh nhân… do đó bệnh nhân được khuyên nên để có con ít nhất 6 tháng sau ngưng điều trị hoặc dùng các cách phức tạp hơn như trữ lạnh tinh trùng…
5. Bệnh nhân ung thư khi mang thai có cần theo dõi đặc biệt?
– Về thai kỳ, hiện nay chưa có hướng dẫn chế độ theo dõi đặc biệt dành cho thai kỳ của những người mẹ bị ung thư, cơ bản vẫn là theo dõi định kỳ theo lịch phối hợp của bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung thư, trong đó lưu ý những tác dụng phụ do hóa trị như hạ máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), nhiễm trùng, suy tim… có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
– Về phía bệnh nhân, tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn, thể trạng bệnh nhân và tuổi thai, bác sĩ ung thư phải phối hợp kỹ với bác sĩ sản khoa để chọn cách tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu được nên bắt đầu điều trị bệnh ung thư khi bệnh nhân đã sanh xong. Phẫu thuật khối u nói chung vẫn an toàn khi mang thai, nhất là tiến hành trong 3 tháng giữa thai kỳ, hóa trị vẫn có thể tiến hành miễn là theo dõi sát và xử lý các biến chứng do thuốc.
– Các tiến bộ trong lĩnh vực điều trị vô sinh như trữ phôi, trứng hoặc tinh trùng… và sử dụng về sau, khi bệnh ung thư ổn định có thể giúp ích một số ít bệnh nhân; tuy nhiên các phương pháp này phải được tính trước và việc thực hiện khá phức tạp. Sau sanh bệnh nhân vẫn có thể cho con bú tuy nhiên phải tham khảo ý kiến của bác sĩ ung thư về các thuốc đặc trị đang sử dụng.
   Tóm lại, quyết định mang thai là quyết định rất quan trọng với mỗi gia đình. Có con là niềm vui và hạnh phúc lớn lao mà người phụ nữ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ khác để đạt được. Xử lý thai kỳ ở bệnh nhân ung thư là vấn đề lớn đòi hỏi phối hợp giữa bác sĩ ung thư, sản khoa, nhi khoa và nhất là sự tham gia của bệnh nhân và gia đình trong mỗi quyết định điều trị, trong đó cân nhắc giữa tình trạng bệnh, thai kỳ và hoàn cảnh bệnh nhân.