BỆNH TAY – CHÂN – MIỆNG

  • Tay chân miệng là bệnh cấp tính do virus đường ruột. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
  • Bệnh lây qua đường “phân – miệng”, khi tiếp xúc trực tiếp dịch tiết (dịch mũi – miệng), dịch bóng nước, gián tiếp qua tiếp xúc với vật dụng, đồ chơi, dụng cụ, “bàn tay” dính dịch tiết của trẻ bệnh. Do đó, bệnh đặc biệt dễ lây trong môi trường nhà trẻ. Bố mẹ nên lưu ý theo dõi bệnh tay chân miệng khi con của mình có học chung lớp, ở chung nhà hay có tiếp xúc gần với các trẻ bệnh, trong vòng 7 ngày.
  • Bệnh biểu hiện chính ở da và niêm mạc miệng. Ở da, trẻ có hồng ban, bóng nước trên nền hồng ban ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông. Khi bóng nước lành không để lại sẹo. Ở miệng, loét ở vòm khẩu cái, má, nướu, lưỡi, làm trẻ đau gây biếng ăn hay quấy khóc và chảy nước miếng nhiều.

 

  • Bệnh có thể diễn tiến nặng bất cứ lúc nào, thậm chí có thể gây tử vong. Trẻ có thể sốt cao khó hạ, quấy khóc nhiều, giật mình chới với, run tay chân, đi loạng choạng, yếu liệt, hay có thể gây khó thở, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, huyết áp. Do đó, theo dõi và phát hiện sớm kịp thời các dấu hiệu báo động là cực kỳ quan trọng, góp phần ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị bệnh chủ yếu là:

– Điều trị hỗ trợ triệu chứng.

– Theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng, điều trị tích cực biến chứng. Tái khám mỗi 1-2 ngày đến khi đủ 7 ngày (tính từ lúc trẻ bắt đầu có dấu hiệu bệnh). Cho trẻ tái khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất khi có bất kỳ dấu hiệu sau:

  • Sốt cao từ 39oC trở lên,
  • Thở nhanh hay khó thở,
  • Giật mình chới với, lừ đừ, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, run chi, đi loạng choạng,
  • Ói nhiều.
  • Da nổi vân tím/nổi bông, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
  • Co giật, hôn mê.

– Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Cho trẻ uống nhiều nước/sữa, ăn thức ăn lỏng/mềm/nguội, có thể để hơi mát để trẻ dễ ăn/bú hơn.

  • Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, cần:

– Đối với trẻ bệnh, để tránh lây cho trẻ khỏe: cách ly không cho tiếp xúc đủ 7 – 10 ngày (tính từ ngày trẻ bắt đầu có biểu hiện của bệnh).

– Tách riêng các vật dụng và đồ chơi của trẻ bệnh, vệ sinh dụng cụ/đồ chơi/quần áo chăn ra gối của trẻ bằng xà phòng/trụng nước sôi.

– Vệ sinh mặt sàn/bề mặt tiếp xúc dịch tiết của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn (Cloramin B, Javel).

– Vệ sinh tay bằng xà phòng hay cồn sau khi tiếp xúc với trẻ/vật dụng có dính dịch tiết của trẻ bệnh.

TUY DỄ MÀ KHÓ, NHƯNG HÃY CÙNG CHUNG TAY ĐỀ PHÒNG NGỪA, THEO DÕI VÀ PHÁT HIỆN SỚM CÁC BIỂU HIỆN NẶNG CỦA BỆNH ĐỂ CÙNG BẢO VỆ TỐT NHẤT CHO TRẺ CHỐNG LẠI BỆNH TAY CHÂN MIỆNG.