BỆNH ĐAU VÙNG CỔ GÁY

? Đau vùng cổ gáy hay còn gọi là hội chứng cổ vai cánh tay là một nhóm các triệu chứng lâm sàng của nhiều nguyên nhân như: đau cổ gáy cấp do co cơ sau khi ngủ sai tư thế, nhiễm lạnh, hoặc do thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, các nguyên nhân ít gặp khác gồm chấn thương, khối u, vẹo cột sống bẩm sinh, loãng xương, lao, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống…
? Tùy vào nguyên nhân mà sẽ có những bệnh danh tương ứng như: đau cổ gáy cấp, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ…vì có rất nhiều nguyên nhân như vậy nên khi bị đau cổ gáy tốt nhất là bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ khám, tư vấn và điều trị.
1. Trước khi nhập viện
* Triệu chứng:
– Đau là biểu hiện đầu tiên và dễ nhận biết nhất. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột ở vùng cổ, vai, gáy và lưng trên sau ngủ dậy hoặc cũng có thể xuất hiện từ từ, âm ỉ, mạn tính làm hạn chế cử động cổ, quay đầu không thoải mái.
– Đau tăng khi đi, đứng hay ngồi lâu một chỗ, đau cũng có thể tăng khi thay đổi thời tiết.
– Nhiều khi cơn đau lan xuống vùng vai, tay khiến cánh tay tê mỏi, cử động khó khăn.
– Đi kèm với đau có thể có hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nhức đầu…
– Ngoài ra còn có các triệu chứng kèm theo tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân gây bệnh.
* Những triệu chứng nặng:
– Đau nhiều, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt (kể cả uống nước)…
– Tái phát nhiều lần.
– Cảm giác tê, yếu cánh tay, bàn tay (cầm rơi đồ vật) hoặc nặng hơn là tê đặc biệt ở vùng bụng trước rồi đến hai chân và tay. Chân thường yếu trước tay làm cho người bệnh hay bị rớt dép hoặc dễ vấp ngã khi đi lại, tiểu tiện khó, có thể đại tiểu không tự chủ (chèn ép tủy).
2. Quá trình điều trị – Hướng điều trị
– Điều trị triệu chứng bệnh kết hợp với giải quyết nguyên nhân nếu có thể.
– Kết hợp thuốc với các phương pháp không dùng thuốc khác như: hồng ngoại, châm cứu, xoa bóp, siêu âm, ké cổ, sóng xung kích…tùy thuộc vào bệnh nhân cụ thể.
– Chỉ định ngoại khoa khi cần thiết.
– Thuốc: có thể dùng thuốc đông – tây y kết hợp tùy theo nguyên nhân gây bệnh.
– Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh cần chú ý trong sinh hoạt hàng ngày. Đứng, ngồi, làm việc phải đúng tư thế, khi ngủ chỉ nên gối đầu cao khoảng 10cm, đảm bảo vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy, chú ý đặt phần trên của vai trên gối để tránh cột sống cổ và các cơ bị kéo giãn.
Đối với những người có nghề nghiệp hay phải ngồi lâu một tư thế như nhân viên văn phòng, phi công, tài xế… cần có những bài tập riêng hàng ngày. Ăn uống đủ chất, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như calci, kali, nhóm vitamin B,C,E; nên tắm bằng nước ấm, tránh lạnh, gió, dầm mưa.
3. Lúc ra viện
– Dấu hiệu tái phát: xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
– Biến chứng: teo cơ, yếu, liệt tay chân, đại tiểu tiện không tự chủ.
– Chăm sóc và điều trị tại nhà: uống thuốc theo toa, chế độ ăn đủ chất.
– Phòng bệnh: không ngồi quá lâu một tư thế, ngủ kê gối đúng cách, thực hiện các bài tập vận động cột sống cổ thích hợp để tăng cường sức cơ vùng cổ ngực và vai, cũng như tránh cho cơ vùng cổ bị mỏi mệt hoặc căng cứng.