NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH

Lớp học tiền sản do Khoa sản, Bệnh viện TP Thủ Đức tổ chức định kỳ vào thứ 6 hàng tuần sẽ cung cấp đến phụ huynh những kiến thức chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, dưới đây là một trong những chuyên đề của lớp học “Những điều cần biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh” do bác sĩ Phạm Thị Mỹ Hạnh trình bày.

I. Vàng da ở trẻ sơ sinh

Những dấu hiệu của vàng da sinh lý:

• Vàng da xuất hiện muộn sau 48 giờ sau sinh.

• Vàng toàn thân, không vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.

• Vàng da kéo dài dưới 01 tuần đối với trẻ đủ tháng, dưới 02 tuần với trẻ thiếu tháng.

• Trẻ không bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu,..

Những dấu hiệu vàng da bệnh lý:

• Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh.

• Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.

• Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ thiếu tháng.

• Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu,..

Phòng ngừa vàng da do trẻ sơ sinh

• Chăm sóc sức khỏe khi mang thai, khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để có thể phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý trong thai kỳ. Nhờ đó sẽ tránh được tình trạng sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.

• Cho trẻ bú sữa non ngay sau sinh và giữ ấm trẻ để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.

• Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để có thể dễ dàng theo dõi màu sắc da của trẻ.

II. Cấp cứu sặc sữa, mắc dị vật

Sặc sữa, mắc dị vật là hiện tượng sữa, vật thể nhỏ tràn vào đường thở khiến bé bị sặc sụa, khó thở, tím tái, có thể ngừng thở. Nếu không được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Nguyên nhân khiến trẻ sặc sữa, mắc dị vật :

• Trẻ bú, ăn không đúng tư thế; cho bú quá no

• Cho trẻ bú khi đang khóc, đang ho

• Sữa mẹ nhiều khiến trẻ nuốt không kịp

• Núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều

• Trẻ sinh non tháng nên phản xạ bú – nuốt kém

• Trẻ bị dị tật bẩm sinh vùng hầu họng như sứt môi, hở hàm ếch…

• Trẻ cầm nắm những vật thể nhỏ dễ nuốt

Sơ cứu trẻ sặc sữa, mắc dị vật

• Bước 1: Lập tức gọi hỗ trợ từ người thân, cấp cứu y tế

• Bước 2: Cởi áo của trẻ

• Bước 3: Cho trẻ nằm sấp để đầu thấp hơn ngực, mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ vùng đầu và cằm trẻ ở tư thế thẳng. Tránh gây áp lực lên phần mềm vùng hầu họng.

• Bước 4: Sử dụng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần giữa 2 vai của trẻ theo hướng từ trên xuống dưới ra trước.

• Bước 5: Sau khi vỗ lưng, dùng cẳng tay còn lại đặt lên lưng trẻ, bàn tay giữ chặt đầu và cổ.

• Bước 6: Lật ngửa trẻ một cách cẩn thận (giữ chặt đầu và cổ), giữ trẻ nằm ngửa trên mặt trong cẳng tay tựa vào đùi. Giữ đầu thấp hơn cơ thể.

• Bước 7: Ấn ngực 5 lần ở vị trí 1⁄2 dưới xương ức, ngay dưới đường liên vú. Mỗi lần đẩy ngực khoảng 1s, cố gắng tạo áp lực đủ để tống dị vật ra ngoài.

• Bước 8: Lặp lại chu kì 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến khi lấy được dị vật hoặc khi trẻ có đáp ứng.

KHOA SẢN – BỆNH VIỆN TP THỦ ĐỨC