CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI BỆNH SUY TIM Ứ HUYẾT

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI BỆNH SUY TIM Ứ HUYẾT
Suy tim xảy ra khi tim không đáp ứng cung lượng để duy trì khả năng biến dưỡng của cơ thể. Có thể có nhiều nguyên nhân gây ra, những nguyên nhân thường là: cao huyết áp, bệnh van tim, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, tâm phế mãn và bệnh tim bẩm sinh.
Trong quá trình điều trị, sau khi kiềm chế tình trạng suy tim người bệnh cần phải tuân theo những vấn đề sau đây để việc điều trị đạt kết quả tốt, ngăn ngừa đợt tái phát và tiến triển nặng thêm của tình trạng suy tim để cải thiện chất lượng đời sống và nâng cao sức khỏe:

1. Tăng cường nghỉ ngơi để làm giảm gánh nặng cho tim.

– Ngưng ngay tất cả các hoạt động khi thấy mệt, hồi hộp, khó thở hay đau thắt ngực.
– Nằm nghỉ trên giường với tư thế đầu và vai cao trên vài cái gối hoặc ngồi trong ghế có tay dựa.
– Tạo môi trường thông thoáng bằng cách không che kín màn cửa hay đóng kín các cửa sổ.
– Luôn luôn tuân theo chế độ vận động cho phép.

2. Tránh phát sinh lo lắng.

– Ðể đèn vào ban đêm trong phòng ngủ.
– Luôn cần có sự hiện diện của người thân bên cạnh.
– Tránh những xáo trộn cảm xúc.

3. Dùng thuốc đúng theo y lệnh điều trị của bác sĩ.

a. Thuốc nhóm Digitalis:
– Phải kiểm tra mạch trước khi uống thuốc.
– Mạch chậm trong khoảng 40 – 60 lần/phút không tiếp tục uống thuốc. Thông báo cho bác sĩ tần số mạch đã đếm được.
– Tăng cường chế độ ăn có nhiều chất kali như cam, chanh, chuối, dưa hấu, đậu hòa lan.
– Báo cáo cho bác sĩ nếu mạch chậm 40 – 60 lần/1 phút, buồn nôn, tiêu lỏng, rối loạn thị giác.
– Không được tự ý dùng các loại thuốc có chất Calcium.
– Cẩn thận khi dùng phối hợp với loại thuốc lợi tiểu được thông báo là nhóm mất kali.
b. Thuốc nhóm lợi tiểu:
– Uống thuốc vào buổi sáng và trước 15 giờ chiều.
– Ghi nhận số lượng nước tiểu mỗi ngày.
– Theo dõi đau tức vùng bàng quang đặc biệt là bệnh nhân nam.
– Thông báo với bác sĩ khi thấy mệt, yếu mỏi cơ, tay chân, chuột rút…
c. Thuốc nhóm giãn mạch:
– Theo dõi mạch, huyết áp.
– Theo dõi tác dụng phụ của thuốc giãn mạch: nhức đầu, mặt phừng đỏ, ho khan.

4. Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn đã được đề nghị.

– Hạn chế thực phẩm có nhiều muối, không sử dụng nhiều muối trong khẩu phần ăn (chú ý sự hiện diện của muối trong quá trình nêm khi nấu, nêm khi ăn)
– Hạn chế chất béo động vật. Giảm trọng lượng cơ thể nếu béo phì. Tránh ăn một lần quá no, tránh thực phẩm gây sình hơi.
– Loại bỏ các chất rượu, bia, nước giải khát có chất caffein như coca cola.
– Nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh thực phẩm gây táo bón.
– Nên dùng dầu thực vật và thực phẩm giàu protein có trong cá.
– Tăng cường rau xanh và uống đủ lượng nước cân đối theo số lượng nước tiểu mỗi ngày.

5. Tích cực điều trị và phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp.

6. Tránh thời tiết lạnh, nhiều gió, sương mù. Máy điều hòa không khí có thể cải thiện được khi môi trường nóng, ẩm.

7. Nhận biết và cảnh giác đối với các triệu chứng tái phát suy tim.

– Nhớ lại các triệu chứng đã xảy ra nay xuất hiện trở lại.
– Tăng trọng lượng cơ thể (tăng 0,9kg -1,4kg trong vài ngày).
– Chán ăn.
– Khó thở khi hoạt động dù là trong mức cho phép.
– Phù ở bàn chân, cổ chân (mắt cá chân), bụng.
– Ho dai dẳng.
– Ði tiểu đêm.

8. Thường xuyên tái khám định kỳ.