Ngày 13/12/2022, Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức phối hợp Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho gần 1.000 sinh viên đang học tập tại trường. Đồng hành cùng chương trình có Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể; BS.CKII Nguyễn Thị Bích Uyên, Phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp; BS.CKI Ngụy Như Ngọc Chiêu, Khoa Nội Tổng hợp và bộ phận truyền thông Bệnh viện TP Thủ Đức; Công ty TNHH xã hội Sài Gòn Pride.
Với 02 chuyên đề “HIV – Những điều cần biết cho thanh thiếu niên” và “Tình dục – Chuyện dễ đùa nhưng khó nói”, báo cáo viên đã cung cấp cho các bạn sinh viên nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS, nhiễm trùng các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bình đẳng giới. Góp phần giúp trang bị cho các bạn sinh viên những kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý lứa tuổi; cách để tránh bị lạm dụng tình dục, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn.
Bằng hình thức trao đổi mang tính tương tác cao giữa người nói và người nghe, lối sử dụng ngôn ngữ thân quen gần gũi với người trẻ của báo cáo viên. Những thông điệp về yêu bản thân, tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, phòng tránh thai, xét nghiệm HIV định kỳ, chủ động chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ HIV, PrEP, PEP và điều trị ARV được truyền tải một cách tự nhiên, súc tích và dễ hiểu, đồng thời được sự đón nhận sâu sắc và hiệu quả. Hứng khởi và sôi nổi nhất là các nội dung tương tác với báo cáo viên, trả lời câu hỏi của ban tổ chức để nhận quà, giúp các bạn trẻ ôn lại kiến thức, nhớ lại thông tin vừa tiếp nhận và có cơ hội nhận các món quà ý nghĩa như kit test tự xét nghiệm, bao cao su,….
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động truyền thông của Bệnh viện TP Thủ Đức nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Thủ Đức về nguy cơ, sự lây truyền và các biện pháp phòng tránh, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Tăng cường kết nối và thúc đẩy sử dụng các dịch vụ về dự phòng lây nhiễm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS hiện có. Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS – Thanh niên sẵn sàng”.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lứa tuổi thanh thiếu niên là việc làm quan trọng, cần nhận được sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Qua đó, không chỉ giúp các em phát triển một cách toàn diện về tâm sinh lý mà còn góp phần phòng ngừa các tệ nạn và các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đăng Anh