“THỜI GIAN VÀNG” TRONG CẤP CỨU ĐỘT QUỴ – ƯU TIÊN CÁC BỆNH VIỆN GẦN NHẤT

Thời gian vàng trong đột quỵ
   Đột quỵ tuy đứng hàng thứ ba trong các bệnh gây tử vong ở người lớn, sau ung thư và tim mạch. Ở Việt Nam, theo Bộ Y Tế, có hơn 200.000 ca đột quỵ mỗi năm và tỷ lệ tử vong còn cao do cấp cứu muộn, không tôn trọng “giờ vàng” điều trị.

   Giờ vàng để cứu đột quỵ là gì?

   Thông thường, 3 đến 4 giờ đầu tiên khi bệnh nhân khởi phát đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Sau 3 đến 4 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi.

1. Cách nhận biết người bị đột quỵ

   Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
   Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như: Nhức đầu, rối loạn ý thức…nhưng chúng ta chỉ cần nhớ các dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 – 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T
– Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi – má mờ.
– Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại.
– Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ … như bình thường trước đó.
– Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
   Bác sĩ khuyến cáo: “3 đến 4 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp… nếu thấy những dấu hiệu trên thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm”.
   Càng trì hoãn việc điều trị, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Vì vậy người bệnh đột quỵ cần được sớm đưa vào bệnh viện để các bác sĩ cứu chữa trong thời gian vàng này.

2. Cần làm gì khi người thân có triệu chứng đột quỵ

   Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, người nhà cần phải:
– Gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn tái thông mạch máu não.
– Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải:
+ Giữ thông thoáng môi trường chung quanh người bệnh để giúp họ thở tốt.
+ Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ độ cứng để giữ thăng bằng, không đặt lên đệm có độ lún sâu và tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não.
+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc người bệnh có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt người bệnh sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở của người bệnh, móc hết đàm nhớt ở miệng người bệnh ra nếu có.
+ Nếu người bệnh bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu người bệnh nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.
+ Nếu người bệnh còn tỉnh: Hỗ trợ người bệnh nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của người bệnh. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.
– Những việc không tự ý làm:
+ Không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
+ Không cho người bệnh ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, người bệnh hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
+ Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.