NHỮNG LƯU Ý KHI CHĂM SÓC MẸ SAU SINH

   Sau hành trình vượt cạn, cơ thể người mẹ bắt đầu khôi phục lại những gì đã thay đổi trong suốt thai kỳ và sinh nở. Việc chăm sóc bé cũng chiếm phần lớn thời gian và quan trọng, nhưng chăm sóc mẹ sau sinh cũng quan trọng không kém. Bởi lúc này cơ thể người mẹ gần như đã kiệt sức cùng những vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn hậu sản.

   Lớp học tiền sản do Khoa Sản – Bệnh viện thành phố Thủ Đức tổ chức sẽ cung cấp cho các mẹ bầu những kiến thức hữu ích về chăm sóc sau sinh:

1. Theo dõi những vấn đề thường gặp của người mẹ sau sinh

– Sự thu hồi của tử cung: Bình thường ngay sau khi lấy nhau ra, tử cung sẽ co hồi thành một khối cầu an toàn. Ngày đầu sau sinh, đáy tử cung cao khoảng 13cm trên khớp vệ, trung bình mỗi ngày nhỏ đi 1cm. Sau ngày thứ 12 – 13, tử cung thu hồi về nhỏ đủ để nằm gọn trong vùng chậu, không còn sờ thấy đáy tử cung trên bụng nữa. Sự thu hồi tử cung ở con so nhanh hơn ở con rạ, ở người cho con bú nhanh hơn ở người không cho con bú. Nên mẹ không phải lo lắng vì tử cung thu lại do cơ địa và lần sinh của mỗi người. Khi tử cung bị nhiễm trùng, sự thu hồi tử cung sẽ chậm hơn bình thường.

– Chảy máu (sản dịch): Hiện tượng chảy máu âm đạo xảy ra trong bất cứ thời điểm nào từ 2-6 tuần sau khi sinh. Có thể ngưng nhanh hơn nếu mẹ cho bé bú sữa mẹ. Chất sản dịch màu đỏ tươi có thể sẽ ra nhiều lúc đầu, nhưng qua ngày kế tiếp chất này sẽ giảm đi và dần dần chuyển sang màu nâu nhạt. Thường dịch bài tiết này sẽ tiếp tục ra cho đến kỳ kinh đầu tiên. Mẹ cần làm là dùng những tấm lót băng vệ sinh thấm chất dịch tiết ra, không nên dùng băng vệ sinh bên trong âm đạo có thể gây nhiễm trùng.

– Vết khâu tầng sinh môn: Nếu tầng sinh môn bị rách hay cắt khi sinh thì được may lại. Vết khâu tầng sinh môn cần được kiểm tra (xem có bị sưng nề, bầm tím, đỏ, đau nhiều, có tụ máu âm hộ, âm đạo, chân chỉ có mủ…) và bôi thuốc 3 lần mỗi ngày bằng thuốc sát trùng, sản phụ nên tự rửa thêm khi tiêu tiểu, thay băng vệ sinh sạch nhiều lần trong ngày, tránh tình trạng ẩm ướt kéo dài vết thương sẽ chậm lành và dễ nhiễm trùng, tập đi tiểu, ngồi dậy đi lại, tránh bị táo bón… Kháng sinh thường được bác sĩ cho sử dụng trong 5 ngày. Nếu vết may tốt và lớp da may bằng chỉ không tiêu thì thường sẽ được cắt chỉ vào ngày thứ 5 sau sanh.

– Táo bón: Sau khi sinh thường hay gặp triệu chứng này, mẹ nên uống nhiều nước, ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau. Một số cách khác như đi dạo, tập bài tập Kegel, tránh căng thẳng, sử dụng các chất làm mềm phân cũng có thể giúp cải thiện tình hình.

– Bàng quang: Đi tiểu nhiều hơn trong những ngày đầu là bình thường vì cơ thể thải đi nước dư tích lại trong khi có thai. Tiểu tiện lúc đầu có thể khó khăn vì đau, tuy nhiên mẹ nên cố đi tiểu sau sinh càng sớm càng tốt. Mẹ nên đứng dậy và đi lại để làm cho dòng tiểu mạnh hơn. Nếu có vài mũi khâu thì nên xối nước ấm khi đi tiểu để đỡ rát.

– Chăm sóc vú: Một vấn đề quan trọng trong quá trình chăm sóc mẹ sau sinh là việc động viên mẹ cho con bú. Mẹ cần biết được tầm quan trọng của việc cho con bú như tránh đầu vú tụt, tắc tia sữa,… Để có đủ sữa cho con, mẹ cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ. Mẹ nên tập cho con bú theo cữ, và bắt đầu ngay sau sinh. Trước khi cho bé bú, mẹ cần lau sạch vú. Mẹ nên cho bé bú hết sữa trong vú. Nếu không hết thì phải vắt ra để vú tiếp tục sản xuất sữa.

2. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh

   Sau khi sinh, mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức vì rất cần lấy lại sức và tạo sữa nuôi con. Mẹ khỏe thì con mới phát triển tốt được.

   * Những thực phẩm cần được bổ sung trong giai đoạn này là:

– Các loại hoa quả tươi và rau xanh để đảm bảo lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất.

– Canxi từ sữa, bơ, đậu phụ, cá mòi, … để hỗ trợ phát triển xương và răng cho bé.

– Protein từ thịt gà, trứng, thịt nạc và các loại đậu.

– Chất bột đường: cơm, bún, bánh mì, khoai lang, khoai tây….

   * Tuy nhiên, cần ăn kiêng và tránh những thực phẩm không tốt trong giai đoạn cho con bú:

– Tránh xa thuốc lá và tránh uống rượu: vì sẽ khiến sữa mẹ về ít hơn, trẻ cai sữa sớm và tinh thần không ổn định. Những thực phẩm này cũng rất có hại và khiến mẹ chậm quá trình phục hồi sức khỏe sau sinh hơn.

– Thận trọng với thực phẩm có thể gây khó tiêu: các thức ăn dễ ôi thiu và có thể gây ngộ độc (thịt, trứng, hải sản sống). Nên lưu ý các loại thức ăn có thể khiến con bạn phản ứng lại khó tiêu (hành, cải bắp, trứng cá, trứng tôm, gia vị cay) nếu chúng gây phản ứng.

– Hạn chế uống cà phê hoặc trà: khiến mẹ khó ngủ hơn, không tốt cho việc nghỉ ngơi, thư giãn mà chỉ nên uống cà phê với một lượng rất nhỏ mỗi ngày.

– Không nên chủ động ăn kiêng trong giai đoạn này: vì người mẹ sẽ cần nhiều calo hơn bình thường để duy trì mức năng lượng tiêu chuẩn và tạo thêm

nhiều sữa cho con. Nếu muốn giảm cân, chỉ cần có chế độ chăm sóc mẹ sau sinh dinh dưỡng cân bằng và tập thể dụng đều đặn mỗi ngày. Đồng thời, giảm bớt lượng đường và ngưng uống các chất có cồn.

3. Chế độ nghỉ ngơi của chăm sóc mẹ sau sinh

   Giấc ngủ cũng khá quan trọng với giai đoạn chăm sóc mẹ sau sinh, việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu giúp các bà mẹ tái tạo năng lượng, sản xuất sữa tốt hơn và tránh được bệnh: stress, trầm cảm sau sinh. Mặt khác, các bà mẹ cần phải cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt và chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực. Đặc biệt là với những sản phụ sinh mổ thường hồi phục chậm hơn so với sản phụ sinh thường.

   Sau khi vết thương đã lành và ổn định, các mẹ nên vận động nhẹ nhàng, massage thư giãn, xoa bóp tay chân, với liều lượng thích hợp. Điều này vừa để đẩy hết sản dịch ra ngoài và giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn.

   * Ngoài ra việc tập thể dục, massage còn mang lại những lợi ích như:

– Giảm căng thẳng, stress, giữ tinh thần lạc quan, không lo lắng, buồn phiền sẽ là phương pháp tối ưu giúp các mẹ hồi phục sức khỏe, giảm trầm cảm sau sinh và phục hồi sức khỏe nhanh chóng cũng như vết mổ.

– Giảm tỉ lệ đau lưng, tăng cường sự lưu thông máu toàn bộ cơ thể.

– Giảm táo bón, tránh bí tiểu.

– Phục hồi sự săn chắc của cơ thể, giảm mỡ bụng.

– Giảm các tai biến tim mạch.

   Trong môi trường sinh hoạt hàng ngày, nên tránh nắng nóng hoặc gió lạnh. Chỗ ở nên thoáng mát, dễ chịu, không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn. Nhiệt độ trong phòng lý tưởng cho cả mẹ và bé là 27 – 29 độ C.