Tư vấn trực tuyến về sức khỏe trên Báo Tuổi trẻ

   Các bác sĩ, chuyên gia đã có buổi tư vấn sức khỏe trực tuyến đặc biệt dành cho bạn đọc Tuổi Trẻ vào chiều 3/2. Tham gia chương trình có Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức. Dưới đây là trích dẫn một số câu hỏi bạn đọc gửi đến chương trình nhờ bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ tư vấn:
1. Trên ngực bên phải của tôi khi sờ vào cảm giác có 2 u nhỏ bằng viên bi không đau quanh vú, không rõ có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không ạ?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Phần lớn trường hợp khối u ở vú là lành tính.
Nếu không thấy các triệu chứng khác như tiết dịch ở đầu vú, co lõm da trên u và không có hạch nách đi kèm thì thường là lành tính.
Tuy nhiên, nếu sắp xếp được bạn nên đến một bệnh viện chuyên khoa ung bướu để kiểm tra lại cho yên tâm.
2. Tôi bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn đã 12 năm. Có khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, nhưng không có chuyển biến tốt. Tiểu cầu luôn ở mức 10~30k (không uống thuốc) hoặc 50~80k (uống Medrol liều 8mg/ngày). Bình thường cơ thể cũng không có triệu chứng gì ngoại trừ tác dụng phụ của thuốc Medrol như trào ngược dạ dày, đau khớp, đục thủy tinh thể, viêm, phù nề. Xin hỏi y học ngày nay có hướng điều trị nào khác ngoài uống Medrol suốt đời hay thử cắt lá lách như bác sĩ thường nói không?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn cần điều trị lâu dài, do đó bạn nên đến các bệnh viện có chuyên khoa huyết học để bác sĩ có thời gian theo dõi đánh giá, đưa ra kết quả tốt nhất.
3. Tôi đi siêu âm kiểm tra sức khỏe, được bác sĩ (có uy tín, là nơi tôi kiểm tra sức khoẻ nhiều năm qua) cho biết tôi bị phình đa giáp hai thùy. Kết luận này có nghĩa là gì? Tôi phải theo dõi điều trị ra sao?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Phình đa giáp đa hạt là tình trạng tuyến giáp có nhiều khối u lành tính bên trong, phần lớn các trường hợp không cần điều trị chỉ cần theo dõi định kỳ. Tuy nhiên, cần điều trị khi khối u lớn, gây mất thẩm mỹ hoặc chèn ép làm người bệnh cảm giác nghẹn vướng kéo dài hoặc có nhân giáp nghi ngờ ác tính, việc điều trị có thể phẫu thuật hoặc đốt bằng sóng cao tần tùy theo bác sĩ chuyên khoa.
4. Xin hỏi bác sĩ, tôi là nữ, dạo gần đây tôi thấy ngực mình có xuất hiện một cục u nhỏ, sờ thì không đau, tuy nhiên, thời gian sau đó lại biến mất. Xin hỏi bác sĩ tôi có nguy cơ mắc ung thư không? Điều trị như thế nào?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào chị, phần lớn trường hợp khối u ở vú là lành tính. Nếu chị thấy khối u không lớn thêm, không kèm theo các triệu chứng khác như tiết dịch ở đầu vú, co lõm da trên u và không có hạch nách đi kèm thì thường là lành tính. Tuy nhiên, nếu sắp xếp được chị nên đến một bệnh viện chuyên khoa ung bướu để kiểm tra lại cho yên tâm.
5. Tiền ung thư cổ tử cung nhưng đã phẫu thuật, bác sĩ cho biết có nguy cơ gì không và có phát sinh ở vị trí khác? Có cần theo dõi ăn uống hay điều trị như thế nào?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Tiền ung thư cổ tử cung nếu bạn đã phẫu thuật triệt để thì nguy cơ tái phát thấp, tuy nhiên, bạn cũng cần theo dõi định kỳ. Về chế độ ăn uống sinh hoạt vẫn bình thường, đầy đủ các chất dinh dưỡng không cần kiêng khem quá mức.
6. Chào bác sĩ cho cháu hỏi là nam giới thì có bị mắc bệnh viêm hạch mãn tính không ạ?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn, viêm hạch mãn tính là bệnh lý có thể gặp được ở cả nam và nữ. Nguyên nhân là do hạch phản ứng với tình trạng nhiễm trùng thường gặp nhất là ở vùng cổ, sau các nhiễm trùng ở mũi họng như: viêm xoang, viêm amidan…
7. Thưa bác sĩ, tôi bị u lành tuyến giáp, đã phẫu thuật cắt 1 bên, bên còn lại có thể phát triển thành u ác tính không. Xin bác sĩ tư vấn cách xử trí u đa nhân bên còn lại ạ. Xin cảm ơn bác sĩ nhiều.
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Nếu phẫu thuật cắt một bên phần mô giáp còn lại vẫn có thể xuất hiện khối u theo thời gian nhưng phần lớn là lành tính. Bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để kiểm tra.
8. Bị nổi hạch ở cổ có nguy hiểm không bác sĩ? Chỉ nổi hạch mà không đau. Mình có cần đi khám và khám ở đâu ạ?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Phần lớn hạch cổ là lành tính, do hạch phản ứng với tình trạng nhiễm trùng vùng hầu họng như viêm họng, viêm amidan, tuy nhiên bạn nên đi khám khi: hạch lớn, tăng về kích thước hoặc số lượng hạch cứng, hoặc có tình trạng sưng đỏ tại hạch.
9. Năm vừa qua cô ruột tôi mất vì ung thư gan, sau đó ba tôi mất vì lymphoma. Một người cô khác của tôi bị ung thư vú đã phẫu thuật. Sự thật thì ung thư có di truyền hay không, chứ dồn dập như vậy gia đình thật sự hoảng. Kính nhờ bác sĩ tư vấn, cho lời khuyên. Cảm ơn bác sĩ!
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Xin chia buồn cùng gia đình bạn vì nhiều người mất. Tuy nhiên, ung thư gan, lymphoma và ung thư vú thường không có liên quan với nhau.
Đúng là có một số hội chứng di truyền có thể gây ung thư, tuy nhiên tỉ lệ người dân mang hội chứng di truyền thấp, nhất là người Việt Nam và thường liên quan đến các ung thư: vú, buồng trứng, đại trực tràng, do đó chị không nên quá hoang mang.
10. Để tầm soát ung thư nên làm theo cách nào. Nên xét nghiệm máu tầm soát không hay có phương pháp nào khác và các phương pháp trên định kỳ bao lâu mới có kết quả tin cậy?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Tầm soát ung thư nên hướng vào một cơ quan cụ thể và ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như tầm soát ung thư vú và cổ tử cung ở phụ nữ. Hiện nay, xét nghiệm máu chưa phải là phương pháp tầm soát ung thư chính thức chỉ đang được nghiên cứu tại một số nước.
11. Em là nam 27 tuổi, em bị nữ hóa tuyến vú phải từ năm 12 tuổi. Em có thể phẫu thuật thu gọn đầu ti ở bệnh nhân nữ hóa tuyến vú 1 bên ở đâu và chi phí bao nhiêu, có được chi trả bảo hiểm y tế và có phải nằm viện không ạ?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Nữ hóa tuyến phú là tình trạng mô tuyến vú phì đại ở nam giới và phần lớn là lành tính. Tuy nhiên, nếu tình trạng này làm mất thẩm mỹ và gây đau thì nên phẫu thuật. Hiện tại bạn có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu để phẫu thuật và chi phi phí phẫu thuật được BHYT thanh toán. Thời gian nằm viện tùy mức độ rộng của phẫu thuật, có thể xuất viện trong ngày hoặc nằm theo dõi một thời gian ngắn sau mổ.
12. Gia đình tôi có tiền sử ung thư vú (mẹ tôi mắc bệnh), vậy khi nào tôi cần đi tầm soát ung thư vú? Con gái tôi có nguy cơ mắc bệnh hay không? Xin cảm ơn bác sĩ
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Nếu mẹ bạn mắc bệnh ung thư vú thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. Do đó bạn nên đi tầm soát ung thư vú (khoảng 35-40 tuổi trở nên).
Bé gái cũng có nguy cơ mắc bệnh, tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng vì tỉ lệ ung thư vú di truyền tại Việt Nam thấp hơn so với các nước Âu, Mỹ. Do đó, bạn có thể tự theo dõi các thay đổi tại vú như khối u tại vú, chảy dịch đầu vú, co lõm da trên vú hoặc hạch nách thì nên đi khám chuyên khoa.
13. Tôi thấy hiện nay rất nhiều bệnh viện có gói khám sàng lọc ung thư và khuyên mọi người nên đi sàng lọc. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi những người nào cần phải sàng lọc, độ tuổi và giới tính như thế nào? Có phải ai cũng nên đi khám hay không?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Sàng lọc ung thư là nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư khi khối u mới hình thành, chưa di căn qua các cơ quan khác.
Tuy nhiên, sàng lọc ung thư chỉ nên thực hiện ở những người có nguy cơ mắc bệnh do việc sàng lọc cũng có thể gây ra âm tính giả (có bệnh nhân không phát hiện được), dương tính giả (không bệnh nhưng tưởng là có bệnh). Chỉ nên thực hiện ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ở phụ nữ, có hai cơ quan nên được kiểm tra định kì là vú và cổ tử cung. Kiểm tra tuyến vú thì nên thực hiện ở phụ nữ trên 30 tuổi, việc kiểm tra bao gồm khám, siêu âm và có thể kết hợp với các phương pháp khác như nhũ ảnh, MERI, tùy từng trường hợp.
Khám cổ tử cung: phụ nữ lập gia đình nên kiểm tra phụ khoa định kì và thực hiện phết tế bào âm đạo cổ tử cung nhằm phát hiện sớm những bất thường nếu có. Đồng thời lưu ý giữ vệ sinh phụ khoa sạch sẽ.
Ở những người hút thuốc lá nhiều, nhất là nam giới và trên 45-50 tuổi có thể thực hiện CT phổi liều thấp nhằm phát hiện sang thương tại phổi.
Người dân cần chú ý đến những thay đổi cơ thể như vết loét lâu lành, đi cầu phân đàm máu hoặc đi tiểu ra máu thì nên tới bệnh viện để kiểm tra.
14. Tôi đi khám sức khỏe thường kỳ phát hiện có u máu ở gan thì có cần uống thuốc gì hay đi điều trị ở đâu là phù hợp?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. U máu là bệnh lý lành tính tại gan, phần lớn các trường hợp khối u tiến triển chậm và không cần can thiệp. Tuy nhiên, bạn cũng nên đến cơ sở y tế tái khám định kỳ để theo dõi diễn tiến khối u.
15. Ung thư phổi và thực quản có phải liên quan chính đến hút thuốc lá không? Uống rượu có gia tăng nguy cơ không thưa bác sĩ?
* Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ:
Chào bạn. Thuốc lá, rượu bia đều là yếu tố nguy cơ của ung thư phổi và thực quản, và nếu như một người vừa uống rượu vừa hút thuốc thì nguy cơ càng cao. Do đó, bạn nên hạn chế tối đa thuốc lá và rượu bia.
Nguồn: tuổi trẻ online