Tăng huyết áp đã và đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm trên toàn cầu. Theo thống kê của Hội tim mạch học Việt Nam năm 2016, khoảng 46.7% người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp. Đáng lưu ý trong số đó, có khoảng 1/3 bệnh nhân không được phát hiện trước nghiên cứu, và trong số những bệnh nhân được điều trị tăng huyết áp, chỉ có khoảng 1/3 số bệnh nhân đạt được mức huyết áp mục tiêu sau điều trị. Đa phần các bệnh nhân tăng huyết áp đều không có triệu chứng, chính vì thế rất nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán cho đến khi xuất hiện biến chứng. Chính vì thế, tăng huyết áp được xem là “kẻ giết người thầm lặng”.
Theo BSCKI. Đặng Minh Hùng, Khoa Nội tim mạch – Lão học, Bệnh viện thành phố Thủ Đức, hiện nay việc chẩn đoán tăng huyết áp chủ yếu vẫn dựa vào trị số đo huyết áp tại phòng khám. Việc này gặp một số hạn chế như:
– Thứ nhất, đa phần khi đến bệnh viện hoặc tiếp xúc nhân viên y tế trị số đo huyết áp của bạn sẽ có xu hướng tăng giả tạo (tăng huyết áp áo choàng trắng), điều này dễ dẫn đến việc chẩn đoán quá mức cũng như điều trị không cần thiết, đôi lúc gây hạ huyết áp nguy hiểm do thuốc.
– Thứ hai, huyết áp ở mỗi người lại có sự biến thiên và dao động trong ngày rất khác nhau, có người huyết áp xu hướng tăng vọt buổi sáng, lại có người tăng cao vào buổi chiều, việc đo huyết áp một thời điểm tại phòng khám sẽ không phát hiện được, dẫn đến khó khăn trong việc điều trị và đạt được huyết áp mục tiêu.
– Thứ ba, một số ít trường hợp khi đo ở nhà huyết áp cao, nhưng khi đến bệnh viện huyết áp lại bình thường hoặc thậm chí thấp (tăng huyết áp ẩn giấu). Điều này có thể dẫn đến việc bỏ sót chẩn đoán và điều trị. Đa phần triệu chứng của tăng huyết áp rất mơ hồ, và nếu không điều trị trong một thời gian dài, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng của tăng huyết áp (suy thận, tai biến, mù loà, suy tim,…)
Với sự phát triển không ngừng của y học, hiện đã có rất nhiều phương tiện được sử dụng để khắc phục các hạn chế trên. Một trong số đó là việc đeo “huyết áp lưu động 24 giờ” (HALĐ24h), thông qua việc sử dụng một thiết bị đo huyết áp nhỏ gọn được gắn trên người bạn. Huyết áp sẽ được tự động đo theo những khoảng thời gian được cài đặt và lưu vào bộ nhớ, từ đó có thể biết được biểu đồ dao động huyết áp của người bệnh trong một ngày sinh hoạt bình thường.
Với việc sử dụng HALĐ24h, bác sĩ sẽ có bằng chứng khách quan hơn khi so sánh với việc đo huyết áp tại phòng khám, giúp chẩn đoán chính xác một người có bị tăng huyết áp thật sự hay không. Ngoài ra với việc xác định được xu hướng huyết áp của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra được chiến lược điều trị, phân bổ liều thuốc hợp lý, từ đó nhanh chóng giúp người bệnh đạt được mức huyết áp mục tiêu. Đặc biệt hơn, HALĐ24h còn giúp bác sĩ đánh giá được hiệu quả điều trị, hạn chế tối đa tình trạng hạ huyết áp do thuốc, từ đó giảm thiểu tai biến cũng như các biến chứng của tăng huyết áp.
Bệnh nhân có nhu cầu đeo HALĐ24h thì liên hệ ai?
– Khi bệnh nhân có chỉ định hoặc nhu cầu đo HALĐ24h, bạn có thể đăng kí phòng khám Nội tim mạch thuộc Khoa Nội Tim mạch – Lão học để được bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn và tiến hành đeo máy HALĐ24h tại phòng thăm d chức năng của khoa.