Bệnh viện thành phố Thủ Đức
Đạt Chứng nhận Bạch kim của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO)

Bệnh viện thành phố Thủ Đức là 1 trong 36 bệnh viện trên cả nước đạt chuẩn thế giới về điều trị đột quỵ trong quý II/2023 do Chủ tịch Hội Đột quỵ Thế giới 2024 – 2024 trao trực tiếp tại TPHCM vào ngày 18/8 vừa qua. Trong đó, có 7 bệnh viện đạt giải thưởng cao nhất là Kim Cương, 9 bệnh viện đạt giải thưởng Bạch Kim, 20 bệnh viện đạt giải thưởng Vàng.

WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vị toàn cầu. Được biết, quy trình đánh giá giải thưởng được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, chứng nhận do WSO trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn mà sẽ đánh giá theo từng quý, nếu vẫn đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được tái cấp.

Chứng nhận chuẩn Bạch kim là giải thưởng danh giá dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ đạt các tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt, bao gồm: Khả năng đào tạo nhân sự chuyên môn, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, can thiệp và điều trị đột quỵ cấp. Ngoài ra, khả năng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị của bệnh nhân.

Để có được chứng nhận này đòi hỏi bệnh viện phải tổ chức hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt được bộ tiêu chí khắt khe do WSO đề ra, gồm 7 tiêu chí:

– Ít nhất 75% số bệnh nhân đột quỵ cấp được bắt đầu điều trị tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 60 phút từ khi nhập viện.

– Ít nhất 75% số bệnh nhân đột quỵ cấp được bắt điều trị lấy huyết khối bằng dụng cụ trong vòng 120 phút từ khi nhập viện.

– Tỷ lệ điều trị tái thông đạt ít nhất 15% tổng số bệnh nhân nhập viện.

– Toàn bộ bệnh nhân (100%) nghi ngờ đột quỵ cấp đều được khảo sát hình ảnh học CT/ MRI sọ não sớm.

Ngoài ra, các tiêu chí về điều trị bệnh nhân sau khi được tái thông đều được tuân thủ gần như tuyệt đối (gần 100%) bao gồm: tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não được sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu khi xuất viện; tỷ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông khi xuất viện; tỷ lệ bệnh nhân được tầm soát rối loạn chức năng nuốt tại đơn vị đột quỵ; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại đơn vị đột quỵ hoặc phòng hồi sức tích cực.

Cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là một trong những cấp cứu khẩn cấp chạy đua với thời gian để tái thông mạch máu bị tắc. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa đóng vai trò quan trọng nhất để giúp rút ngắn tối đa thời gian bệnh nhân được điều trị đặc hiệu.