Nội soi dạ dày và những điều cần biết

Nội soi dạ dày hay nội soi thực quản, dạ dày và tá tràng là phương pháp thăm khám trực tiếp ống tiêu hóa trên gồm thực quản, dạ dày, tá tràng của người bệnh bằng cách đưa một ống soi mềm nhỏ qua đường miệng hoặc đường mũi. Đầu ống soi có gắn đèn chiếu sáng và một camera nhỏ thu hình trực tiếp chiếu lên màn hình. Bác sĩ sử dụng nội soi để chẩn đoán bệnh và kết hợp điều trị luôn các bệnh lý đường tiêu hóa khi đang nội soi.

1. KHI NÀO CẦN NỘI SOI DẠ DÀY?

– Nội soi dạ dày giúp phát hiện tổn thương ung thư đường tiêu hoá, nhất là những trường hợp ung thư sớm. Nội soi giúp chẩn đoán khối u đường tiêu hóa ác tính hay lành tính bằng kỹ thuật sinh thiết kết hợp xét nghiệm mô bệnh học.

– Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật can thiệp như cắt polyp, lấy dị vật đường ăn hoặc can thiệp cầm máu với các trường hợp xuất huyết tiêu hóa. Trong đó, can thiệp cầm máu qua nội soi dạ dày khá an toàn và hiệu quả giúp giảm tỷ lệ truyền máu và phẫu thuật ở nhiều người bệnh.

2. NGƯỜI BỆNH CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC NỘI SOI DẠ DÀY?

? Người bệnh cần phải nhịn không được ăn và dùng thức uống (đặc biệt nước có màu) ít nhất 6 giờ trước nội soi.

? Người bệnh cần thực hiện một số cận lâm sàng khác trước khi nội soi, như: đo điện tâm đồ (bắt buộc), siêu âm bụng tổng quát, huyết đồ, đông máu toàn bộ, nhóm máu, chụp X-quang … theo qui trình kỹ thuật nếu có nội soi can thiệp điều trị.

? Người bệnh được hướng dẫn uống thuốc chống tạo bọt giúp quan sát tốt toàn bộ lòng dạ dày – tá tràng, hạn chế thấp nhất không bỏ sót tổn thương.

? Người bệnh/người nhà người bệnh cần phải thông báo với bác sĩ:

+ Tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh phổi mạn tính, rối loạn tâm thần kinh, rối loạn đông máu.

+ Tất cả các thuốc đang sử dụng cũng như tiền sử dị ứng thuốc, đặc biệt các thuốc chống đông máu (warfarin, lovenox, sintrom), thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel) vì tăng nguy cơ chảy máu, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), kháng sinh, thuốc điều trị bệnh lý tim mạch, hô hấp, …

+ Người bệnh đang mang thai hoặc cho con bú cần phải thông báo với bác sĩ để được tư vấn.

? Trường hợp soi dạ dày gây mê, hoặc làm các thủ thuật can thiệp cần phải có người nhà đi cùng.

? Bệnh viện thành phố Thủ Đức triển có các loại nội soi dạ dày qua đường miệng hoặc đường mũi, bệnh nhân có thể lựa chọn gây mê (nội soi không đau) hoặc không gây mê. Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng và được chỉ định trong từng trường hợp bệnh cụ thể, do đó bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn chi tiết và đầy đủ trước khi nội soi. Nhờ đó, người bệnh sẽ được thăm khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị với những phác đồ hiệu quả nhất, đem đến kết quả điều trị tốt nhất.