Chiều ngày 21/9, Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức phối hợp Hiệp hội Tiết niệu – Thận học (VUNA, HUNA), Bệnh viện An Bình tổ chức chương trình hội thảo “Cập nhật điều trị bệnh thận mạn theo các khuyến cáo hiện nay”, nhằm cập nhật các điểm mới trong chẩn đoán và điều trị thận mạn từ các Hiệp hội VUNA, HUNA cho đội ngũ y bác sĩ.
Chương trình hội thảo diễn ra trực tuyến tại 02 điểm cầu là Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện An Bình do GS.TS.BS Võ Tam, đại diện hiệp hội VUNA làm chủ tọa; TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó Giám đốc phụ trách quản lý điều hành bệnh viện TP Thủ Đức và BS.CKII Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc bệnh viện An Bình phụ trách điều phối chương trình.
Trong chương trình, báo cáo viên đã trình bày các chủ đề: Cập nhật điều trị bệnh thận mạn tại Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện An Bình; Vai trò của SGLT2i trong điều trị bệnh thận mạn: Bằng chứng và khuyến cáo cập nhật. Đồng thời, các đại biểu đã cùng theo dõi nội dung tham luận từ chuyên gia: Chia sẻ góc nhìn từ dược lâm sàng, ứng dụng khuyến cáo vào thực tế điều trị, chia sẻ góc nhìn từ nhà quản lý.
Bệnh thận mạn là sự suy giảm chức năng thận tiến triển, kéo dài. Các triệu chứng tiến triển chậm và trong các giai đoạn tiến triển có nhiều triệu chứng bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn ói, viêm miệng, rối loại vị giác, tiểu đêm, uể oải, mệt mỏi, ngứa, suy giảm về tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, bệnh thần kinh ngoại biên và co giật. Chẩn đoán dựa trên xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá chức năng thận, đôi khi chỉ chẩn đoán được sau sinh thiết thận.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 – 10 triệu người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, những con số này được dự đoán sẽ ngày một tăng cao. Ước tính đến năm 2030, có đến 5,2 triệu người mắc bệnh thận và cần được chạy thận nhân tạo. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26.000 người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và 8.000 ca mắc mới mỗi năm.