Phát hiện dị vật trong tai của trẻ nhỏ và lời khuyên từ chuyên gia

Tuần vừa qua fanpage Khoa Nhi – Bệnh viện thành phố Thủ Đức có nhận được câu hỏi như sau: Bé nói có con gì đó chui vào lỗ tai, mà điều kiện hiện tại chưa thể đi bệnh viện ngay được, nhưng bé không đau, không khó chịu gì hết, thì phải làm sao? Trẻ em đôi khi nhét đồ chơi nhỏ, đồ vật hoặc thức ăn vào tai. Ở cả trẻ em và người lớn, bọ cũng có thể chui vào tai và mắc kẹt. Để hiểu hơn về vấn đề này, chi tiết sẽ có ở bài viết dưới đây:

1. Dị vật mắc kẹt trong tai có gây ra các triệu chứng không?

Một số trẻ có dị vật mắc kẹt trong tai có thể không có triệu chứng, cha mẹ tình cờ phát hiện khi soi tai cho con. Các triệu chứng thường gặp do dị vật ống tai ngoài như:

– Đau bên trong tai (trẻ quấy khóc vô cớ hoặc dùng tay đập vào tai).

– Máu hoặc dịch chảy ra từ tai.

– Khó nghe.

2. Có nên cố gắng TỰ loại bỏ dị vật ở nhà hay không?

Câu trả lời là KHÔNG! Nếu lấy không đúng kĩ thuật hoặc bé quấy khóc mạnh có thể đẩy dị vật vào sâu hơn trong ống tai. Khi đó dễ dàng gây trầy xước da ống tai và màng nhĩ.

3. Vậy phụ huynh cần làm gì?

– Tốt nhất là nên đưa trẻ đi viện ngay để các bác sĩ tai mũi họng soi tai và xác định có hay không có dị vật, hay đau tai là do một bệnh lý khác gây ra.

– Trong thời gian chờ xe đưa đi bệnh viện, bạn có thể:

+ Cho trẻ nghiêng đầu sang một bên. Tai có dị vật phải hướng xuống đất.

+ Kéo nhẹ vành tai ngoài. Điều này đôi khi làm lỏng dị vật khiến nó rơi ra ngoài.

4. Các loại dị vật cần được loại bỏ càng SỚM càng tốt:

– Pin: Pin trong tai là trường hợp khẩn cấp, do vật chất trong pin có thể làm bỏng, loét thành ống tai nặng nề.

– Côn trùng sống: có thể gây ra trầy xước hoặc tổn thương trong tai do côn trùng cắn, hoặc dịch tiết côn trùng….

– Các vật sắc nhọn: không được tự ý xử trí khi thấy có vật sắc nhọn trong tai kể cả kéo vành tai.

5. Cách phòng ngừa?

Để phòng tránh những trường hợp dị vật vào trong tai gây những hậu quả không đáng có thì bạn nên lưu ý những cách phòng tránh sau đây:

• Không nên để trẻ em tiếp xúc và chơi với những vật dụng và đồ chơi nhỏ, dễ đưa vào phía bên trong tai của trẻ.

• Không nên sử dụng các vật dụng dễ gãy và mắc kẹt bên trong tai để ngoáy tai.

• Hạn chế việc ngủ dưới đất, nên sử dụng màn để tránh việc công trùng vào trong tai khi ngủ.

Như vậy, qua bài viết này chúng tôi đã giải đáp cho bạn về dị vật trong tai và những lưu ý, phương pháp để đưa dị vật ra bên ngoài an toàn,… Nếu bạn gặp phải tình huống này, hãy bình tĩnh xử lý và tốt nhất, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.