4 dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp và cách sơ cứu cần biết!

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Ngoài cơn đau thắt ngực, các dấu hiệu khác dưới đây cũng có thể là biểu hiện cảnh báo của nhồi máu cơ tim.
1/ DẤU HIỆU CẢNH BÁO NHỒI MÁU CƠ TIM CẤP
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:
– Xuất hiện cơn đau thắt ngực điển hình: Đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay. Cơn đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
– Người bệnh có biểu hiện vã mồ hôi, khó thở, thở khò khè
– Biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực
– Biểu hiện nôn, buồn nôn, lú lẫn
– Một số người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Trong một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp, bệnh nhân không có hoặc có ít cảm giác đau sẽ khó nhận ra ra hơn. Trường hợp này gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, người bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
2/ CÁCH SƠ CỨU NHỒI MÁU CƠ TIM
Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong và hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trước khi đến bệnh viện. Những bệnh nhân được điều trị sớm sẽ có tiên lượng và khả năng phục hồi tốt hơn sau nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế có thể điều trị tái tưới máu cơ tim càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng.
– Thời gian vàng để điều trị nhồi máu cơ tim là 1-2 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Hoặc ít nhất là trong 6 giờ đầu để giảm mức độ hoại tử tim, giảm nguy cơ suy tim sau đó.
– Vì vậy, khi phát hiện người nhồi máu cơ tim cấp, cần sơ cứu đúng cách như sau: Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng.
– Hãy gọi 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.
– Ép tim ngoài lồng ngực: Tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.