Viêm phế quản ở trẻ thường không quá nguy hiểm nhưng tái đi tái lại nhiều lần, nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
1/ Trẻ nào dễ bị mắc viêm phế quản?
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ em, bất kể lứa tuổi và thời tiết nào. Đặc biệt là trẻ em ở thành thị, dân cư đông đúc thì tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn. Do hệ miễn dịch còn non yếu nên khi thời tiết thay đổi, trẻ thường bị viêm phế quản với các biểu hiện như ho, sổ mũi và khó thở. Viêm phế quản ở trẻ thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được theo dõi và xử trí kịp thời có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong.
2/ Dấu hiệu trẻ bị viêm phế quản
– Biểu hiện viêm phế quản ở giai đoạn khởi phát:
Trẻ sẽ kém chơi, ăn kém do ngạt mũi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc tiêu chảy.
– Biểu hiện ở giai đoạn toàn phát (thường là ngày thứ 3 sau khởi phát bệnh):
Trẻ sốt cao, nhiệt độ từ 38 – 40 độ C kèm ho nhiều, ho khan, ho có đờm xanh hoặc vàng. Trẻ thở khò khè, có thể khó thở. Trẻ ho nhiều, có thể dẫn đến nôn ói.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái.
3/ Có thể chữa dứt điểm viêm phế quản ở trẻ không?
Trẻ bị viêm phế quản có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng cách. Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch đường phế quản, nghĩa là giúp trẻ tống đờm nhớt ra khỏi cuống phổi, để trẻ dễ thở hơn. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên để chữa dứt điểm bệnh bằng cách:
– Luôn giữ ấm cơ thể trẻ, tránh để trẻ bị lạnh khiến bệnh lý diễn biến nặng hơn.
– Cho trẻ uống nhiều nước.
– Thường xuyên vệ sinh tai – mũi – họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% hoặc bằng nước ấm.
– Khi trẻ bị sốt < 38,5°C nên chườm ấm cho trẻ để hạ sốt nhanh hơn. Trường hợp trẻ sốt cao > 38,5°C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo chỉ định của bác sĩ.
Tóm lại: Trẻ bị viêm phế quản có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở trẻ, các bậc phụ huynh cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng.