Lời khuyên chuyên gia nhi khoa

Trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, Khoa nhi – Bệnh viện thành phố Thủ Đức tiếp nhận số lượt bệnh đến khám vì viêm hô hấp tăng vọt so với các tháng trước trong năm. Biểu hiện bệnh đa số là ho, sổ mũi, sốt, khò khè song song với đó, số lượt nhập viện vì viêm hô hấp dưới cũng tăng. Lý do nhập viện tại khoa là viêm phổi không đáp ứng điều trị ngoại trú, suy hô hấp, viêm phổi nặng, cơn hen trung bình – nặng, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản nặng, viêm phổi thuỳ, viêm tai giữa.
Không những nhân viên y tế ghi nhận số ca bệnh hô hấp tăng cao tại bệnh viện, mà các phụ huynh cũng nhận thấy tần suất bệnh hô hấp của con tăng hơn, trẻ dễ vào cơn hen, khó vào cơn thì khó ra cơn; hoặc ho kéo dài không giống những đợt bệnh trước; hoặc các trẻ học cùng lớp đều “kéo nhau” ho, sổ mũi, sốt. Trước tình hình trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính có chiều hướng gia tăng, Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát, thu thập số liệu và mẫu bệnh phẩm nhằm đánh giá khách quan, chính xác về tình hình bệnh, đồng thời tìm ra tác nhân chính gây bệnh. Cùng với ý kiến từ các chuyên gia và kết quả phân tích các số liệu thu được, Sở Y Tế đã thống nhất những nhận định sau:
– Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, thường tăng cao vào tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Do vậy việc ghi nhận các bệnh lý hô hấp tăng cao trong tháng 10 và 11 vừa qua là hiện tượng bình thường đã diễn ra từ nhiều năm qua. Như vậy số lượng bệnh lý hô hấp sẽ vẫn còn cao vào tháng 12.
– Về tác nhân gây bệnh, qua kết quả xét nghiệm PCR, không ghi nhận tác nhân nổi trội bất thường. Các tác nhân thường gặp là virus cúm mùa, Enterovirus; các vi khuẩn Haemophilus influenza, Streptococcus pneumonia ( PHẾ CẦU KHUẨN), Mycoplasma pneumonia…. Đây cũng là các tác nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ.
– Phần lớn các trường hợp nặng là những bệnh nhi có kèm bệnh nền
Ngoài ra, tại khoa Nhi – Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ca bệnh khởi phát ban đầu với ho, sổ mũi nhẹ. Như mọi lần người nhà thường mua thuốc tại các nhà thuốc tây theo tư vấn của người bán thuốc, nhưng đợt này triệu chứng càng ngày càng nặng, đến hơn 1 tuần không khỏi, khi đi khám được chẩn đoán viêm phổi và cần nhập viện. Qua đây chúng tôi cần lưu ý đến quý phụ huynh vài điều như sau:
– Khi trẻ ho, sổ mũi nhẹ, không có triệu chứng gì khác, có thể cho trẻ uống các loại thuốc ho thảo dược. Nhớ lưu ý độ tuổi theo hướng dẫn sử dụng của nhãn hàng.
– Không cho trẻ uống kháng sinh theo tư vấn của nhà thuốc vì: liều thuốc trẻ em khác với liều thuốc người lớn mà các quầy thuốc có thể không nắm rõ, liều thuốc viêm phổi khác liều viêm họng, và có thể nếu đã uống kháng sinh có thể làm giảm mất một số triệu chứng quan trọng mà không dứt hẳn được bệnh
– Không tự ý uống thuốc ức chế ho (terpin codein, dextromethophan…) mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể khiến bệnh nặng hơn
– Không tự ý uống thuốc long đàm vì một vài thuốc long đàm có thể gây co thắt phế quản.
– Đi khám khi trẻ ho có kèm các triệu chứng sau: Sốt cao, ăn uống kém, mệt mỏi, ói không do ho; Thở nhanh, thở khò khè, thở mệt; Ho nhiều sau 5 ngày không có xu hướng giảm; Trẻ có bệnh nền như hen, tim bẩm sinh, béo phì, suy giảm miễn dịch, thalassemia, trào ngược… nên đi khám sớm khi chưa có triệu chứng nặng; Ho nhiều mà gây lo lắng cho phụ huynh hoặc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ dù chưa có triệu chứng khác
Có cách nào để phòng tránh hoặc giảm mức độ nặng của bệnh hay không?
Các cách chính thống luôn được chúng tôi nhắc nhở quý phụ huynh mỗi khi đưa con đi khám bệnh như sau:
– Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay.
– Đeo khẩu trang khi ra ngoài.
– Giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa sạch sẽ thoáng khí, vệ sinh đồ chơi định kì
– Ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, hoạt động thể lực rèn luyện sức khỏe, hạn chế tiếp xúc nhiều với đồ điện tử
– CHỦNG NGỪA đầy đủ theo chương trình tiêm chủng quốc gia, đừng quên các mũi SỞI, CÚM, PHẾ CẦU