ĐIỀU CẦN BIẾT ĐỂ NGĂN NGỪA BỆNH GOUT

Bệnh gout thường không có dấu hiệu báo trước cho đến khi xảy ra cơn gout cấp tính đầu tiên. Vì vậy việc phòng ngừa bệnh gout tập trung vào ngăn chặn các cơn gout trong tương lai hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh gout cần lưu ý khi sử dụng các thực phẩm nhằm hạn chế nguy cơ bị gout.

1/ Cần hạn chế những thực phẩm như: Tất cả các loại nội tạng động vật: gan, thận, lá lách, tim, óc…; Các loại thịt lên men hoặc chế phẩm từ thịt: xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, giăm bông…; Hạn chế rượu bia và đồ uống có cồn khác; Không hút thuốc lá, thuốc lào; Hạn chế đồ uống có đường: nước ngọt và siro giàu fructose; Carbohydrat tinh chế: bánh, kẹo.

2/ Cần dùng vừa phải các thực phẩm bất lợi cho người bệnh gout: Cá cơm, cá mòi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá hồi; Các loại hải sản khác: sò điệp, trai, hàu, vẹm, cua, tôm và trứng cá…; Các loại thịt đỏ: thịt bê, thịt bò, thịt lợn, thịt cừu; các loại gia cầm: gà, ngỗng, ngan, vịt; Socola và cacao.

3/ Cần tăng cường các loại trái cây, rau củ, hạt: Trái cây là thực phẩm tốt, đặc biệt là cherry, việt quất, mâm xôi, dâu tây, táo, dừa, nho, cam quýt…

Mặc dù một số loại rau (súp lơ trắng, măng tây, nấm…) chứa nhiều purin nhưng chúng không làm tăng nguy cơ bệnh gout và không bị hạn chế. Một số loại rau củ rất tốt là cà rốt, ngò, dưa chuột, thì là, tỏi tây, đậu bắp, khoai tây, bí ngô.

Tương tự, một số loại đậu như đậu xanh, đậu lăng giàu purin nhưng chúng là nguồn cung cấp protein lành mạnh để thay thế nguồn protein từ động vật, kể cả đậu nành và đậu phụ…

Ngoài ra, cần tăng cường các loại hạt như: óc chó, mắc ca, hạnh nhân, hạt bí, chia…; yến mạch, lúa mạch, gạo lứt…; Các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo; Trứng; Đồ uống như trà xanh và trà thảo mộc.

– Y học thường thức –