[TỔNG QUAN VỀ HUYẾT ÁP]
Nhận biết về huyết áp cao

1. Huyết áp cao là gì?

Huyết áp là thước đo lực đẩy của máu lên thành mạch máu. Tim bơm máu vào các mạch máu, đưa máu đi khắp cơ thể. Bệnh cao huyết áp, còn được gọi là tăng huyết áp rất nguy hiểm vì nó khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu ra ngoài cơ thể và góp phần làm xơ cứng động mạch hoặc xơ vữa động mạch, dẫn đến đột quỵ, suy tim và các bệnh lý liên quan đến thận.  Cao huyết áp có thể do:

  • Nguyên phát: không có nguyên nhân cụ thể chiếm khoảng 85% số trường hợp cao huyết áp)
  • Thứ phát: xác định được cụ thể nguyên nhân gây cao huyết áp, chiếm khoảng 5-10% trường hợp được chẩn đoán cao huyết áp

2. Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh cao huyết áp

Các đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh cao huyết áp bao gồm:

  • Trong gia đình có người có tiền sử cao huyết áp
  • Độ tuổi: nguy cơ cao huyết áp sẽ tăng theo độ tuổi. Đặc biệt ở những người khoảng sau 55 tuổi.
  • Bị thừa cân hoặc béo phì: Cân nặng càng cao, cơ thể cần nhiều máu hơn để cung cấp nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn cho các mô và cơ quan. Khi thể tích máu lưu thông tăng lên, thì lực đẩy máu lên thành động mạch cũng tăng theo. Điều này có thể khiến bạn gặp các biến chứng như đau tim và đột quỵ.
  • Lười vận động: Những người ít vận động thường có xu hướng nhịp tim cao hơn, khi nhịp tim càng cao, tim bạn phải hoạt động mạnh và nhanh hơn, tăng nguy cơ cao huyết áp.
  • Hút thuốc và sử dụng các sản phẩm có chứa Nicotin: Việc hút thuốc không chỉ làm tăng huyết áp tạm thời mà những chất hoá học trong khói thuốc còn gây phá huỷ thành mạch, tăng cao khả năng mắc bệnh tim mạch.
  • Ăn nhiều muối: Quá nhiều muối trong khẩu phần ăn khiến cơ thể giữ nước. Điều này tăng gánh nặng lên trái tim của bạn, từ đó khiến bạn bị cao huyết áp.
  • Thiếu Kali: Kali có tác dụng cân bằng lượng natri trong cơ thể, nếu lượng kali quá thấp, điều này khiến cơ thể tích lũy natri trong máu, tăng áp lực lên tim và gây huyết áp cao.
  • Uống nhiều chất có cồn: Rượu, bia gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim do huyết áp.
  • Căng thẳng: Căng thẳng nhiều cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp tạm thời.
  • Mắc các bệnh lý như: Một số bệnh mạn tính cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp như bệnh thận, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ…

3. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp

Tăng huyết áp nguyên phát: Tăng huyết áp nguyên phát thường không có nguyên nhân cụ thể. Thông thường, có rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau để gây ra nó. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh bị cao huyết áp gồm có:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Ít hoạt động thể chất
  • Hấp thụ quá nhiều đồ uống có chứa cồn

Tăng huyết áp thứ phát: Tăng huyết áp thứ phát có ít nhất một nguyên nhân riêng biệt mà các bác sĩ có thể xác định được. Nguyên nhân chủ yếu của tăng huyết áp thứ phát là:

  • Béo phì
  • Cường aldosteron nguyên phát (Hội chứng Conn)
  • Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ
  • Bệnh nhu mô thận (ví dụ, viêm thận cầu thận mạn, viêm thận, bệnh thận đa nang, bệnh mô liên kết, tắc nghẽn đường niệu)
  • Bệnh mạch máu thận
  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống, thuốc cường giao cảm, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticosteroid, cocain cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến của tăng huyết áp thứ phát, khiến cho việc kiểm soát huyết áp cũng trở nên khó khăn hơn.

4. Cao huyết áp để lại những biến chứng nguy hiểm nào?

Để duy trì chức năng của cơ thể, người bệnh nên duy trì huyết áp khỏe mạnh. Khi bị cao huyết áp nhưng không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng bao gồm:

  • Đối với hệ thống tim mạch: huyết áp cao có thể khiến các động mạch cứng lại, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim, làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, suy tim hoặc đau tim.
  • Đối với hệ thần kinh: sự tắc nghẽn ở động mạch có thể làm giảm hoặc ngăn chặn lưu lượng máu đến não, dẫn đến đột quỵ
  • Đối với thận: cao huyết áp có thể làm tổn thương thận, gây ra các bệnh mạn tính về thận.
  • Rối loạn chuyển hóa như nồng độ insulin tăng cao, giảm chỉ số HDL-C…
  • Các mạch máu ở mắt có thể bị vỡ, gây mù lòa…

5. Chẩn đoán & điều trị bệnh cao huyết áp hiệu quả

Bệnh cao huyết áp cần được theo dõi lâu dài và điều trị đúng cách. Ngoài điều trị bằng thuốc thì thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc cải thiện huyết áp.

Phương pháp chẩn đoán

Ngoài việc dựa các triệu chứng của người bệnh, thăm khám yếu tố nguy cơ, tiền sử mắc bệnh, đo huyết áp thì các xét nghiệm lâm sàng cũng được chỉ định trong chẩn đoán cao huyết áp: xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, CT scan…

Lưu ý khi chuẩn bị đo huyết áp, để có kết quả chẩn đoán chính xác, người bệnh không nên hoạt động thể chất mạnh trước khi đo, không hút thuốc và uống cà phê trước lúc đo huyết áp, giữ bản thân yên tĩnh trong 5 phút trước khi thực hiện đo huyết áp.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị cao huyết áp bao gồm sử dụng thuốc và thay đổi lối sống. Người bệnh được chỉ định dựa trên chỉ số huyết áp, nguyên nhân gây ra cao huyết áp và các triệu chứng.

Sử dụng thuốc

Đối với những trường hợp tình trạng cao huyết áp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc hạ huyết áp. Bốn nhóm thuốc điều trị hàng đầu có hiệu quả cao và thường được kê đơn phổ biến để điều trị:

  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE): ngăn chặn việc sản xuất angiotensin II – một chất làm hẹp mạch máu, giải phóng các hormone như aldosterone và norepinephrine, bằng cách ức chế một loại enzyme gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin . Angiotensin II, aldosterone và norepinephrine đều làm tăng huyết áp. Nếu mức độ của ba chất này giảm trong cơ thể, điều này khiến các mạch máu giãn ra (mở rộng), làm giảm áp lực máu và thận.
  • Nhóm thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB): ARB hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của angiotensin II – một chất co mạch mạnh (làm cho các mạch máu co lại). Sự thu hẹp này có thể gây ra huyết áp cao và lưu lượng máu qua thận kém. ARB ngăn chặn angiotensin II liên kết với thụ thể angiotensin II nằm trong các cơ xung quanh mạch máu, từ đó cho phép các mạch máu đó giãn ra, giảm huyết áp và cải thiện các triệu chứng suy tim và tiến triển của bệnh thận do tiểu đường.
  • Nhóm thuốc chẹn kênh canxi: hạn chế lượng canxi đi vào tế bào cơ tim và cơ trơn bằng cách chặn các kênh canxi phụ thuộc vào điện thế. Điều này làm giãn mạch, cải thiện việc cung cấp oxy cho tim và giảm huyết áp.
  • Nhóm thuốc lợi tiểu Thiazid: tác động trực tiếp lên thận và thúc đẩy quá trình bài niệu. Thiazid loại bỏ lượng natri dư ra khỏi cơ thể, làm tăng mất nước qua nước tiểu, do đó làm giảm thể tích dịch ngoại bào và huyết tương. Từ đó, giảm cung lượng tim và giúp hạ huyết áp.

Đôi khi, các bác sĩ có thể kết hợp các nhóm thuốc lại với nhau để tăng khả năng kiểm soát huyết áp cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào hãy báo ngay với bác sĩ, bạn có thể được thay đổi liều lượng dùng thuốc hoặc thay thế bằng các loại thuốc khác. Tuyệt đối không tự ý ngưng sử dụng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Thay đổi lối sống

Dưới đây là một số cách đã được chứng minh để điều trị cao huyết áp một cách tự nhiên:

  • Giữ cân nặng lý tưởng: cân nặng lý tưởng với chỉ số BMI nằm trong khoảng 18.5 đến 22.9kg/m2.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo.
  • Cắt giảm muối: hạn chế lượng natri của bạn không quá 1.500 miligam (mg) mỗi ngày.
  • Bổ sung đầy đủ kali: một số thực phẩm giàu kali bao gồm chuối, bơ và khoai tây (cả vỏ).
  • Tập thể dục: tăng cường tập thể dục 150 phút mỗi tuần.
  • Hạn chế uống rượu: nếu bạn chọn uống đồ uống có chứa cồn, hãy uống có chừng mực.