Công đoàn Bệnh viện thành phố Thủ Đức phát huy tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong tinh thần ấy, ngày 19/5, Công đoàn Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã tổ chức chương trình về nguồn, sinh hoạt chuyên đề “Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024) và Lớp Đoàn viên công đoàn ưu tú kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024)” tại Khu di tích Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Xẻo Quít (tỉnh Đồng Tháp).
Đồng hành chương trình về nguồn với công đoàn viên ưu tú bệnh viện có các đồng chí: Vũ Trí Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện; Hoàng Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc bệnh viện; Trần Nguyễn Ái Thanh, Đảng ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy bệnh viện; Nguyễn Xuân Chi, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Công đoàn bệnh viện cùng các thành viên Ban chấp hành Đảng bộ bệnh viện, Cấp ủy các chi bộ trực thuộc, Đoàn Thanh niên, Ban Chấp hành Công đoàn.
Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nho yêu nước đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục lòng yêu nước thầm lặng trong nhân dân tại mảnh đất “Sen Hồng” Đồng Tháp. Trong giây phút thiêng liêng ấy, ý thức về lý tưởng sống và lòng yêu quê hương đất nước được gợi nhớ thật sống động nơi mỗi đoàn viên. Các đoàn viên cũng được nghe thuyết minh về tiểu sử, cuộc đời và những đóng góp cao quý của cụ Phó bảng, qua đó như được tiếp thêm động lực cho bản thân về một cuộc sống ý nghĩa, trong lý tưởng cao đẹp – sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong công việc mỗi ngày của từng nhân viên y tế.
Trong hội nghị sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Xẻo Quít, đồng chí Nguyễn Xuân Chi, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Công đoàn bệnh viện ôn lại truyền thống kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024).
Trong 24 năm giữ vai trò Chủ tịch nước (2/9/1945 – 2/9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai lần sinh nhật đặc biệt: lần đầu tiên của cuộc đời lãnh tụ vào ngày 19/5/1946 và lần cuối cùng vào ngày 19/5/1969, khi Bác “vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”. Sinh nhật tuổi 56 vào năm 1946 của Bác không phải để mừng thọ mà mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong tư thế nguyên thủ quốc gia có độc lập chủ quyền, sinh nhật Bác là cái cớ buộc Argenlieu – Cao ủy Pháp tại Đông Dương, phải đến để đối thoại với hy vọng “Cuộc bàn giao Việt – Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự giản dị, khiêm tốn và yêu thương. Trong cuộc phỏng vấn với Báo Cứu quốc dịp sinh nhật năm 1949, Bác nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc… Mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”. Bác dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, quà các nơi gửi đến biếu Bác tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ… Lời dạy của Bác về lối sống giản dị, cần kiệm nhưng đầy ắp yêu thương là những bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho các thế hệ đoàn viên noi theo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Vũ Trí Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện ghi nhận sự đồng hành và đóng góp của Công đoàn bệnh viện trong nỗ lực chung vượt qua khó khăn, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua; đồng thời nhấn mạnh vai trò của công tác tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng đoàn viên ưu tú trong công tác phát triển Đảng viên mới của đơn vị.
Hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024), Công đoàn bệnh viện có 37 đoàn viên công đoàn ưu tú được giới thiệu kết nạp Đảng trong tổng số 200 đoàn viên công đoàn ưu tú – Lớp Đoàn viên công đoàn ưu tú kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam được Công đoàn thành phố Thủ Đức giới thiệu Cấp ủy Đảng xem xét kết nạp Đảng./.