Xử lý ban đầu khi bị rắn cắn

Ghi nhận tại các cơ sở y tế số bệnh nhân bị rắn cắn lại gia tăng. Đặc biệt do sơ cứu không đúng cách hoặc theo kinh nghiệm dân gian, dẫn đến đến viện khám và điều trị muộn, nhiều bệnh nhân có thể bị hoại tử tay chân, hôn mê, nhiễm trùng huyết, thậm chí bị tử vong.
Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu bị rắn độc cắn đúng cách là vô cùng cần thiết.
TẠI SAO CẦN SƠ CỨU ĐÚNG CÁCH BỆNH NHÂN TRƯỚC KHI BỆNH NHÂN TRƯỚC KHI VẬN CHUYỂN ĐẾN BỆNH VIỆN
– Giúp làm chậm sự hấp thu nọc rắn từ vết cắn, qua đó có thể bảo vệ tính mạng, làm giảm các biến chứng của bệnh nhân trước khi được đưa đến cơ sở y tế.
– Vận chuyển bệnh nhân một cách nhanh nhất và an toàn nhất đến cơ sở y tế.
– Không làm hại gì thêm.
CÁCH PHƯƠNG PHÁP SƠ CỨU:
– Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn, màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công. Nếu đã bắt được rắn thì chụp ảnh rắn lại hoặc mang rắn chết cùng đến cơ sở y tế.
– Trấn an nạn nhân.
– Bất động chi bị cắn bằng dây đeo, thanh gỗ hoặc thanh kim loại (cử động hoặc co cơ làm gia tăng hấp thu nọc rắn). Phương pháp này dùng cho các nạn nhân của các loại rắn có độc tố tác động trên đông cầm máu (rắn lục, rắn chàm quạp).
– Phương pháp băng ép – bất động: Đây là phương pháp làm chậm sự hấp thu nọc rắn từ vết cắn, tốt nhất dùng băng thun rộng khoảng 10 cm, dài khoảng 4,5 m, nếu không có, có thể dùng bất cứ cuộn vải nào có sẵn. Quấn chặt quanh toàn bộ chi bị cắn bắt đầu từ ngón tay hoặc ngón chân đi lên, sau đó quấn luôn cả thanh gỗ hoặc kim loại cố định chi bị cắn. Băng được quấn chặt như những trường hợp bị bong gân nhưng không quá chặt đến độ mất hết mạch ngoại vi. Không được mở băng cho đến khi nạn nhân được chở đến cơ sở y tế có đủ phương tiện hồi sức cấp cứu. Phương pháp này áp dụng cho nạn nhân của các loại rắn có độc tố tác động trên hệ thần kinh (rắn biển, rắn hổ, cạp nong, cạp nia).
– Tránh bất cứu can thiệp nào (trích, rạch, trâm, chọc) tại vết cắn vì có thể gây nhiễm trùng, gia tăng hấp thu nọc độc, tăng chảy máu vết cắn. Hút nọc độc: Không có lợi ích.
– Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo: Không có lợi ích, khi đắp có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.
– Không được Garo chi bị cắn vì không đem lại hiệu quả mà lại làm tắc động mạch gây nguy hiểm cho người bệnh.
VẬN CHUYỂN NẠN NHÂN ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ
Sau khi sơ cứu, nạn nhân phải được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế một cách an toàn vè dễ chịu nhất trong điều kiện có sẵn, tránh để nạn nhân cử động, nhất là chi bị cắn vì làm tăng hấp thu độc tố vào máu. Nạn nhân phải được khiêng hoặc chở bằng xe, không để tự đi.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân – Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện thành phố Thủ Đức.